Nhiều tiện ích
Ông Lưu Thoại Ngọc Đông, Phó chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Vĩnh Long cho biết: Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên của khu vực ĐBSCL thực hiện dự án này, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan, chủ dự án là Tổ chức ETC Hà Lan. Dù mới triển khai được hơn 1 năm nhưng dự án đã giúp nông dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng hầm biogas, từ đó phát triển bền vững thị trường biogas tại Vĩnh Long, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ bao đời nay, nông dân Vĩnh Long chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi, trong đó nuôi heo là chủ yếu (toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000 con heo). Chính vì vậy, việc thực hiện dự án ở đây có ý nghĩa lan tỏa lớn. Chỉ cần nuôi từ 5 con heo trở lên là bà con có thể làm hầm biogas và thu được nhiều tiện ích như: tiết kiệm chi phí chất đốt; giải phóng sức lao động của người phụ nữ; xử lý triệt để chất thải từ chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, có thể tận dụng chất thải xử lý thành phân vi sinh, giúp tiết kiệm chi phí phân bón trong trồng trọt.
Là đơn vị thực hiện tốt dự án, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũng Liêm chia sẻ: “Dự án giúp nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc cử cán bộ đi tập huấn và theo dõi dự án, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, hội viên hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của hầm biogas. Chính vì vậy, không chỉ những hộ được hưởng lợi từ dự án mà các gia đình nằm ngoài mô hình cũng đầu tư xây dựng hầm biogas. Chỉ tính từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, toàn huyện đã xây được 233 hầm”.
Ông Lê Văn Nhứt, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh (Vũng Liêm) nói về những khó khăn khi triển khai dự án: “Lúc đầu, việc vận động người dân rất khó khăn do kinh phí xây dựng lên tới 9 triệu đồng/hầm. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hầm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đã giúp bà con hiểu được lợi ích của việc chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas nên nhiều hộ hăng hái tham gia. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, toàn xã xây dựng được 55 hầm biogas, trở thành một trong 3 xã có số hầm biogas nhiều nhất huyện”.
Ông Bùi Sỹ Tiếu, Phó chủ tịch HLV Việt Nam đánh giá rất cao hiệu quả của dự án tại Vĩnh Long. “Tỉnh đã thực hiện cơ bản các yêu cầu của chương trình đề ra, nhanh hơn so với các vùng khác. Bước đầu, chúng ta đang làm hầm biogas gia đình nhưng sẽ phát triển dần với quy mô ngày càng lớn với mục đích cuối cùng là giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Tiếu nói.
Cần sự hỗ trợ từ ngân hàng
Từ ngày xây dựng hầm biogas, trang trại nuôi heo của ông Đặng Bích Nhã ở ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ (Mang Thít) trở nên sạch sẽ, không còn mùi hôi thối dù số lượng đàn heo không nhỏ.
Ông hồ hởi nói: “Môi trường được đảm bảo vệ sinh thì người hưởng lợi đầu tiên là chúng tôi. Vì vậy, gia đình quyết định đầu tư xây hầm biogas, đồng thời thường xuyên thu gom rác, giữ vệ sinh môi trường xung quanh”.
Có thể thấy, việc triển khai dự án xây dựng hầm biogas ở Vĩnh Long gặp khá nhiều thuận lợi khi được sự đồng thuận của cả ngành chức năng và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, cũng còn nhiều băn khoăn. Theo ông Nguyễn Thành Một, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, nông dân mua con giống, thức ăn, xây dựng chuồng trại đã tốn một khoản kinh phí lớn, nếu xây hầm thì ngoài phần hỗ trợ, phần còn lại ngân hàng nên cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp, nắm bắt kịp thời công nghệ mới.
Ông Nguyễn Trọng Danh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho rằng: “Cần duy trì, phát huy hiệu quả của dự án; có giải pháp căn cơ hơn để khắc phục những hạn chế và nhân rộng; cần đảm bảo đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp, quan tâm hơn đến chế độ bảo trì, sửa chữa sau khi xây. Tránh trường hợp xây xong hầm gặp trục trặc khó tìm người sửa hoặc nông dân phải bỏ hầm. Đặc biệt, cần đánh giá rõ hiệu quả kinh tế, lợi ích thiết thực mà dự án mang lại; tuyên truyền bằng những mô hình thực tế thì hiệu quả lan toả sẽ tăng lên”.
Thảo Anh (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn