Quan trắc hiện trường lấy mẫu nước biển ở khu kinh tế Vũng Áng
Trong năm 2019, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã thực hiện 3 đợt quan trắc chất lượng các thành phần môi trường tại 286 điểm trên cơ sở mạng lưới quan trắc theo quy hoạch được UBND tỉnh duyệt. 5 thành phần môi trường được quan trắc gồm: Chất lượng nước, chất lượng trầm tích ven bờ và cửa sông, chất lượng không khí xung quanh, chất lượng đất và phóng xạ.
Chất lượng nước được đánh giá quan trắc trên 3 loại là nước mặt (77 điểm), nước dưới đất (58 điểm) và nước biển ven bờ (17 điểm). Theo đó, kết quả quan trắc và đánh giá chỉ số chất lượng nước về phân vùng chất lượng nước mặt, không có vị trí nào nằm trong nhóm bị ô nhiễm nặng.
Qua kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước dưới đất thuộc khu vực vùng ven biển, đồng bằng và vùng núi có các thông số kim loại nặng (Pb, Zn, Hg, Cd, Ni, Cu, As, CrVI), Phenol, Nitrit, Xianua, Florua... đều nằm trong giá trị giới hạn.
Tuy nhiên, có hiện tượng ô nhiễm Coliform tại hầu hết các điểm quan trắc và gia tăng hàm lượng TDS, pH, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, Clorua, độ cứng, Mangan, Sắt tại một số vị trí quan trắc.
Việc phân tích các mẫu giám sát thành phần môi trường ở Hà Tĩnh được tiến hành cẩn thận
Về chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh khá tốt. Hầu hết giá trị các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ một số thông số như Sắt, Mangan, Florua và Coliform vượt giá trị giới hạn, chủ yếu xuất hiện tại một số khu vực.
Chất lượng môi trường trầm tích trên địa bàn tỉnh đang ở mức an toàn. Kết quả phân tích cho thấy pH, hàm lượng các kim loại nặng trong trầm tích đều đang nằm trong giá trị giới hạn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích tại cột trầm tích nước mặn, nước lợ và không biến động so với năm 2018.
Về chất lượng không khí xung quanh (78 điểm), giá trị các khí gây ô nhiễm như: SO2, CO, NO2 đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
Tại một số vị trí có độ ồn và bụi lơ lửng vượt giá trị giới hạn, chủ yếu tại các khu vực có hoạt động công nghiệp (khu kinh tế Vũng Áng, các cụm công nghiệp tập trung), tại các nút giao thông đô thị, nơi có lưu lượng xe tham gia giao thông lớn.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hệ thống quan trắc tự động của 3 đơn vị là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.
Từ kết quả phân tích các mẫu đất (22 điểm) ở các khu vực khác nhau cho thấy, các thông số được quan trắc và phân tích trong môi trường đất không có sự biến động lớn giữa các đợt quan trắc và đều có hàm lượng thấp hơn giá trị giới hạn
Ngoài ra, môi trường phóng xạ trong không khí trên địa bàn tỉnh quan trắc được đang nhỏ hơn nhiều so với giá trị giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam An toàn bức xạ - Giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và dân chúng.
Tổ công tác quan trắc hiện trường lấy mẫu nước mặt ở đập dâng Lạc Tiến (xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh)
Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Tĩnh, nhìn chung, chất lượng các thành phần môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 không có nhiều biến động so với các năm trước. Hầu hết các thông số quan trắc đều ở ngưỡng thấp và nằm trong giới hạn cho phép tương ứng.
Một vài thông số còn ở ngưỡng cao hơn giá trị giới hạn cho phép, tuy nhiên, vẫn chưa ở mức đáng báo động. Những vị trí quan trắc chất lượng nước mặt có các thông số vượt giá trị giới hạn đều là những điểm chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp, kinh doanh sản xuất tại khu vực.
Chất lượng môi trường nước biển thể hiện qua các thông số phân tích tại các điểm quan trắc khá ổn định. Một số điểm có các thông số Fe, Mn, Coliform vượt ngưỡng giới hạn tập trung tại các khu vực cửa biển và những điểm chịu áp lực từ các hoạt động du lịch bãi tắm và các cửa sông.
Những điểm chịu ảnh hưởng từ hoạt động công nghiệp (khu vực Vũng Áng, Formosa) không có sự biến động rõ rệt và hầu hết đều đang nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn cho phép.
Theo Văn Đức/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn