Ngày 30/8, các nhà khoa học Úc cho biết đã thực hiện thành công ca cấy ghép mắt điện tử đầu tiên trên thế giới. Sự kiện được xem là bước đột phá lớn của y học và mang lại hy vọng nhìn thấy ánh sáng cho người khiếm thị.
Bionic Vision Australia (BVA), một tập đoàn được tài trợ bởi chính phủ Úc, đã tiến hành phẫu thuật cấy ghép “mắt robot” cho Dianne Ashwort, một phụ nữ mất thị lực do bị thoái hóa sắc tố võng mạc di truyền.
Dianne Ashwort đã nhình thấy ánh sáng của đèn flash sau khi được cấy ghép mắt điện tử (Ảnh: AFP)
Mắt điện tử thực chất là một thiết bị nhỏ có gắn 24 điện cực làm nhiệm vụ gửi các xung điện nhằm kích thích các tế bào thần kinh của mắt hoạt động, được gắn vào võng mạc của Dianne Ashwort.
Thực tế, ca cấy ghép đã được thực hiện trong phòng thí nghiệm của công ty từ tháng trước. Tuy nhiên, BVA chỉ thông báo sự kiện này sau khi Dianne Ashwort hồi phục và cho biết thị lực của cô đã có những dấu hiệu lạc quan đáng kể.
“Thật ra tôi đã không hy vọng gì nhiều nhưng thật bất ngờ vì tôi có thể lờ mờ nhìn thấy ánh sáng của đèn flash”, Dianne Ashwort chia sẻ. “Mỗi khi được kích thích, phía trước mắt tôi thường xuất hiện các hình dạng khác nhau”.
David Penington, tổng giám đốc của BVA, cho biết mắt robot cũng có thể khám phá các hình ảnh được “xây dựng” bởi não bộ và mắt.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu tạo ra thiết bị có “tầm nhìn rộng” với 98 thậm chí 1.024 điện cực, những “con mắt” cho phép người dùng có thể nhận diện được vật thể có kích thước lớn như các tòa nhà hay xe hơi.