Những chú chim bồ câu trong quá trình thực hiện thí nghiệm.
Sau các thí nghiệm được tiến hành kỹ lưỡng, Richard Levenson, giáo sư tại Trung tâm y tế Davis của Đại học California cho biết đã rút ra được kết luận rằng chim bồ câu có thể học hỏi và sau đó phân biệt được hình ảnh về mô vú bị ung thư hay khỏe mạnh.
Trong thí nghiệm đầu tiên, tám chú chim bồ câu được cho quan sát 144 hình ảnh có màu hoặc ảnh đen trắng về tế bào ung thư khác nhau. Các nhà khoa học đã huấn luyện những chú chim mổ nút xanh hoặc vàng ở hai bên của bức ảnh để chỉ rằng tế bào có bị ung thư hay không. Khi mổ đúng đáp án, những chú chim sẽ được thưởng bằng thức ăn.
Sau 15 ngày đào tạo, những chú chim có thể phát hiện ra sự khác biệt ngay với cả hình ảnh chúng chưa từng thấy trước đây. Với độ chính xác 85%, những chú chim này đạt điểm cao hơn khi phân loại ảnh màu.
Thí nghiệm thứ hai cũng đạt được thành công tương tự, 4 chú chim bồ câu mới được kiểm tra nếu chúng có thể phân biệt các vi vôi hóa liên quan đến ưng thư trong tuyến vú. Trong 14 ngày, độ chính xác đã tăng từ 50% đến 85%.
Thí nghiệm cuối cùng với 4 chú chim khác là phân loại tế bào bằng ảnh khối u ngực chụp qua tia X-quang. Hai chú chim đạt độ chính xác 80% và hai chú còn lại là 60%. Theo nghiên cứu này thì đây là con số vô cùng ấn tượng nếu so sánh với con người bởi nhiều bác sĩ X-quang có kinh nghiệm trước đây khi làm thử bài kiểm tra với hình ảnh tương tự cũng mới chỉ đạt tỉ lệ chính xác 80%.
Ông Edward Wasserman, giáo sư tâm lý học thử nghiệm tại Đại học Iowa phân tích: “Để nhận biết điều đó khá khó khăn. Đó là lý do tại sao nhiều người phải dành hàng năm trời để rèn luyện kỹ năng này”.
Ngoài ra, để lý giải cho khả năng đáng ngạc nhiên của loài chim bồ câu, ông Edward Wasserman khẳng định: "Trí nhớ hình ảnh của chim bồ câu khá ấn tượng, chúng có khả năng ghi nhớ hơm 1.800 hình ảnh".
Kết quả từ cuộc điều tra cho thấy chim bồ câu có thể góp mặt hỗ trợ các nhà nghiên cứu và kỹ sư trong công việc đánh giá hình ảnh y tế.
Theo Báo Tin tức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn