- Tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa bà?
Do thả giống ngoài khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp (thả trái vụ), ngày 15/4/2014, dịch bệnh ở tôm đã xuất hiện tại một ao nuôi 0,3 ha ở huyện Nghi Xuân với các triệu chứng của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Ngay sau khi phát hiện tôm chết, Chi cục Thú y đã chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn triển khai các biện pháp bao vây, cấp hóa chất khử trùng ao nuôi; hướng dẫn người nuôi tôm trong vùng chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, nhất là cách ly với ao nuôi đang có bệnh, kiểm soát vật chủ mang và lan truyền mầm bệnh, người và phương tiện ra vào vùng nuôi; tăng cường kiểm soát sức khỏe tôm nuôi và các yếu tố môi trường để đảm bảo an toàn cho vụ xuân hè.
Kiểm soát giống tôm trước khi thả nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh. |
- Xin bà cho biết những nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi?
Nguy cơ xảy ra dịch bệnh tôm trong thời gian tới có thể nói là rất cao, trước hết là do hầu hết cơ sở hạ tầng các vùng nuôi (ngoại trừ một số vùng nuôi tôm trên cát) chưa được đầu tư đúng mức: cấp thoát nước chung nhau, ao không đảm bảo độ sâu theo quy định, trong khi tỷ lệ lưu hành vi-rút đốm trắng trên tôm tự nhiên khá cao; 90% giống tôm nhập từ bên ngoài chủ yếu thông qua mua bán nhỏ lẻ, trao tay; việc sử dụng giống chưa qua kiểm dịch, kém chất lượng vẫn còn xảy ra...
Mặt khác, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm chưa thực hiện đúng quy trình hướng dẫn. Việc điều hành, quản lý, kiểm soát người, phương tiện, vật chủ trung gian mang và lan truyền mầm bệnh hết sức lỏng lẻo, nhất là đối với vùng nuôi tôm cộng đồng.
- Các cấp chính quyền, ngành chuyên môn cùng với người nuôi tôm cần thực hiện các biện pháp gì để hạn chế dịch bệnh ở tôm?
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, người nuôi tôm cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để kiểm soát mầm bệnh (xử lý khu vực nuôi, nguồn nước cấp triệt để, sử dụng giống đã qua kiểm dịch, kiểm soát tốt môi trường ao nuôi, ngăn chặn các động vật trung gian mang mầm bệnh); thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi tôm chết hoặc có các biểu hiện bất thường khác; không xả bỏ nước, tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, không sử dụng thuốc cấm để xứ lý môi trường và dịch bệnh.
Đối với chính quyền, cơ quan chuyên môn: tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và tự giác thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ giống nhập vào địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm; đẩy mạnh thành lập tổ chức vùng nuôi (tổ hợp tác, hợp tác xã...); ban hành quy chế phòng chống dịch bệnh và tổ chức quản lý theo quy chế đã ban hành; giám sát, nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng...
Về lâu dài, tiếp tục huy động mọi nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi phương thức nuôi phù hợp, nhất là diện tích vùng triều, vùng cửa sông; đồng thời khuyến khích, thúc đẩy phát triển hệ thống ương dưỡng sản xuất giống tôm tại chỗ, tăng cường năng lực cho cơ quan thú y để đủ điều kiện ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.
HỮU TRUNG
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn