Chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa
Tham dự diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan ban ngành và gần 300 bà con nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ cuối năm 2014 đến nay, một số địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang bị hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch của các địa phương, nếu không có mưa bổ sung trong thời gian từ nay đến đầu vụ hè thu 2015, sẽ có khoảng 44.000 ha đất canh tác phải dừng sản xuất, chiếm khoảng 38% tổng diện tích đất trồng lúa và cây hàng năm.
Đưa ra những phương án canh tác khắc phục ảnh hưởng của thời tiết, nông dân ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, né tránh được một phần thiên tai, nhất là việc thiếu nước vào mùa khô. Nhiều mô hình chuyển từ cây ngô sang cây màu vụ đông, tăng thêm cây màu vụ hè trên đất 3 vụ lúa được bà con nông dân khẳng định cho kết quả cao hơn so với việc trồng lúa đơn thuần…
Vấn đề đặt ra là phải có quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, khắc phục khó khăn, hạn chế tác động của hạn hán, thiên tai. Do vậy, bà con nông dân đã tìm ra hướng sản xuất, chuyển đổi đất lúa thiếu nước tưới, đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác né tránh một phần thiệt hại do thiên tai, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường dễ tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các báo cáo của các đơn vị như Cục Trồng trọt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ… trình bày về một số kết quả, định hướng chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng để né tránh thiên tai; giải pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể áp dụng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Các chính sách của trung ương và địa phương có thể áp dụng vào thực tế giúp công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh hơn, đạt hiệu quả tốt hơn…
Ngoài ra, tại Diễn đàn đã đưa ra các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa bao gồm:
Một là, về quy hoạch. Cần lập quy hoạch chi tiết cho từng loại cây, từng vùng và theo mùa vụ sản xuất. Đồng thời tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn kết khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có biện pháp cải tạo hệ thống thủy lợi toàn vùng. Xây dựng cơ sở giao thông phù hợp.
Hai là, tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ba là, về giống. Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao hơn, cần nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất các loại giống phù hợp (chú ý giống ngắn ngày, né tránh thiên tai).
Bốn là, về kỹ thuật trồng - chăm sóc và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Cần nghiên cứu ứng dụng nhanh các loại máy nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm giảm chi phí lao động trong sản xuất./.
HÀ MINH
Theo tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn