Nếu ví thương mại là “đôi chân” đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới thì khoa học và công nghệ được coi là “xương sống” để ngành nông nghiệp nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản.
Công nghệ bảo quản sau thu hoạch CAS chính là một trong những “chiếc xương” quan trọng đó.
Bảo quản nông sản trong 10 năm
Chỉ 200.000 tấn rau - củ - quả được sử dụng vào chế biến mỗi năm, tương đương 2% tổng sản lượng sản xuất rau quả của Việt Nam. 98% sản lượng còn lại sử dụng dưới dạng tươi sống.
Tổn thất sau thu hoạch đối với các loại quả lên tới hơn 25%, với các loại rau là hơn 30%...
Tuy nhiên, hy vọng cho nông sản Việt được mở ra khi Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (IRRD) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp thành công với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ Cells Alive System hay “Hệ thống tế bào còn sống” (CAS).
PGS-TS Trần Ngọc Lân, Phó Viện trưởng IRRD, phụ trách dự án - cho biết: “Các công ty Nhật Bản sử dụng công nghệ CAS để bảo quản hải sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, gạo, bánh ngọt... Tính ưu việt của công nghệ này là 1-2 năm hay thậm chí là 10 năm sau khi rã đông, sản phẩm vẫn gần như ban đầu. Trong khi ở nước ta, gạo chỉ để được 1-2 năm đã mục hỏng, trái cây chỉ để được tối đa hơn 1 tháng...”.
“Công nghệ CAS có thể coi là “bàn đạp” lớn cho ngành xuất khẩu nông - hải sản của Việt Nam. Bởi đây là một trong những công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng tiếp cận được” – ông Lân cho biết thêm.
Theo ông Lân, sự khác biệt của công nghệ CAS với các công nghệ lạnh đông thông thường đó là, sự cùng tác động của từ trường (từ 50Hz đến 5MHz) và quá trình lạnh đông nhanh (từ -30 đến -60 độ C) làm cho nước (nước tự do và nước liên kết) trong tế bào sống đóng băng ở một số rất ít phân tử, nên không phá vỡ cấu trúc tế bào và cũng không làm biến tính các hợp chất sinh học (như protid, vitamin).
Ứng dụng CAS bảo quản vải thiều
Sau một thời gian dài nghiên cứu, đến nay IRRD đã làm chủ được quy trình và chế độ bảo quản tôm sú, cá ngừ đại dương, nhãn lồng Hưng Yên và vải thiều Bắc Giang.
Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng phối hợp với Tập đoàn ABI sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiết lộ kế hoạch dài hạn, ông Lân cho biết, IRRD sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ CAS để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp tiếp theo như tôm hùm, cá thu, trứng cá tầm, thanh long, bơ...
Ngày 20/6 vừa qua, IRRD đã hoàn thiện quy trình bảo quản vải thiều Lục Ngạn bằng công nghệ CAS và ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản được 20 tấn vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu đi Nhật Bản, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trái vụ với các thị trường cao cấp khác như châu Âu, Mỹ...
Đánh giá về chất lượng dự án bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS, ông Lân nhấn mạnh: “Vải thiều được bảo quản bằng công nghệ CAS có chất lượng rất tốt, giá bán vải thiều sau khi bảo quản bằng công nghệ CAS từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg, hoàn toàn có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là bán trái vụ”.
“Bảo quản quả vải bằng công nghệ CAS có thể xuất khẩu bằng đường tàu biển, giá thành vận chuyển thấp hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng đường hàng không. Thêm nữa, sau khi nhập khẩu quả vải, các doanh nghiệp có thể chủ động bảo quản vải trong kho lạnh và đưa ra bán vào thời điểm thích hợp. Do vậy, quả vải thiều Bắc Giang hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường cao cấp thế giới” - ông Lân nói thêm.
Hiện không ít các doanh nghiệp đã và đang quan tâm tìm hiểu dây chuyền công nghệ CAS như Hợp tác xã Bình Minh (Bắc Giang), Công ty TNHH Việt Long (Quảng Ninh)…
Cần đầu tư lớn
Với rất nhiều ưu điểm là thế, nhưng CAS cũng có những nhược điểm của nó.
Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại, công nghệ CAS vẫn chưa giúp được gì nhiều cho ngành nông nghiệp nước ta. Bởi lẽ công nghệ bảo quản này chưa thể tiếp cận được với thực tiễn. Cơ sở vật chất đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn yếu và thiếu; loại công nghệ này đòi hỏi sự đầu tư dây chuyền sản xuất ban đầu không nhỏ và thiếu sự đồng bộ của các cơ sở vật chất phụ trợ.
Đó là chưa kể, nếu mất điện thì toàn bộ quy trình này sẽ bị hỏng, nên nếu không thể đảm bảo nguồn cung ứng điện, doanh nghiệp buộc phải mua máy phát dự phòng. Điều này cũng khiến số tiền đầu tư cho dây chuyên công nghệ này tăng lên.
Quan trọng nhất là chi phí đầu tư ban đầu cho CAS rất cao - khoảng 30 tỷ đồng. Ông Lân nói: “Chi phí đầu tư ban đầu quá lớn nên các doanh nghiệp còn rụt rè chưa mạnh dạn thể hiện sự quan tâm đối với công nghệ này. Để giải bài toán này, thứ nhất, chúng ta cần “giải mã” công nghệ. Nói cách khác là lập một đề tài nghiên cứu, “giải mã” các công nghệ trong dây chuyền CAS”.
“Thứ hai, cần nội địa hóa các thiết bị bằng cách tự thiết kế, chế tạo ra một số khâu trong quy trình bảo quản sau thu hoạch như cấp đông nhanh, dao động điều hòa, lưu trữ bảo quản lạnh… Nếu thành công, dây chuyền công nghệ này có thể giảm tới 60-70% so với chi phí giá nhập từ Nhật Bản” - ông Lân cho biết thêm.
Đánh giá cao hiệu quả và khả năng ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tuy nhiên ông Lân cho rằng, để giải bài toán giá thành đầu tư ban đầu cao cần sự mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ chính sách và nguồn lực từ phía Nhà nước.
Đồng thời, cần sử dụng ứng dụng công nghệ CAS vào bảo quản không chỉ trái cây mà còn các mặt hàng nông sản khác như thủy - hải sản, càphê..., như vậy giá thành sẽ giảm đi rất nhiều.
Ông Lân cho biết, để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trong nước, hiện Nhà nước đã có một số chính sách như về KH&CN, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hoàn toàn chi phí chuyển giao công nghệ, đồng thời được vay tiền với lãi suất thấp để đầu tư vào công nghệ này.
Ngoài ra, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp chặt chẽ để quảng bá, tìm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giúp nông sản Việt vươn ra thế giới.
Để xuất khẩu nông sản đến các thị trường khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam còn phải cần “thuộc lòng” việc tuân thủ các quy định về sản xuất GlobalGAP, về vệ sinh ATTP… Bởi nếu như phát hiện nông sản vẫn còn dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, toàn bộ lô hàng sẽ bị tiêu hủy ngay tại các cửa khẩu nước sở tại; các lô hàng nông sản tiếp theo sẽ càng bị kiểm tra ngặt nghèo hơn và kéo theo là uy tín của doanh nghiệp sẽ giảm sút, rất khó làm lại. |
Thùy Linh
http://khoahocphattrien.vn/