Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bạc Liêu Ảnh: Phan Thanh Cường
Tiên phong con giống
Ngành thủy sản được xem là lĩnh vực tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất con giống. Rất nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản tại nhiều tỉnh thành đã đầu tư hệ thống trại nghiên cứu, sản xuất, ao nuôi thử nghiệm, phòng kiểm tra xét nghiệm chỉ số nước đạt chuẩn. Như tại Trung tâm Giống hải sản cấp I (thuộc Sở NN&PTNT Ninh Thuận) đã thử nghiệm thành công rất nhiều giống thủy sản như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chim vây vàng, cá mú, cá chẽm, cá bớp…; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, khai thác thế mạnh về nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Tại Bến Tre, các tiến bộ kỹ thuật chủ yếu tập trung vào công tác chọn tạo giống mới. Nhiều đề tài nghiên cứu trên lĩnh vực này đã được công nhận và đưa vào thực tế sản xuất như kỹ thuật sử dụng hoóc môn để sản xuất giống cá rô phi đơn tính; kỹ thuật sản xuất giống tôm sú không cắt mắt; ương giống tôm càng xanh toàn đực; sử dụng nước ót thay thế nước biển để sản xuất tôm giống; sản xuất nhân tạo giống nghêu, sò huyết, cua biển.
Là một trong những đơn vị có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản; Trung tâm Giống thủy sản An Giang những năm qua đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất con giống, góp phần cải thiện chất lượng giống thủy sản và hiệu quả sản xuất của người nuôi. Như, chủ động hợp tác với Tập đoàn Tiran của Israel để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực trên cơ sở nhập đàn tôm cái giả từ Israel về An Giang và tổ chức sản xuất giống tại trại Bình Thạnh cơ sở 1, năm 2015 đã cung cấp trên 15 triệu con post. Đồng thời, phối hợp với Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ) thực hiện đề tài “Tuyển chọn giống cá sặc rằn”; Kết quả sản xuất cung ứng nguồn giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, thịt ngon, tỷ lệ sống cao, hao hụt ít, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Dự kiến đề tài thực hiện thành công sẽ đáp ứng được nhu cầu nguồn giống đáp ứng vùng quy hoạch sản xuất cá sặc rằn ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020.
Công nghệ cao trong nuôi trồng
Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản cũng được các địa phương tích cực triển khai. Khu nuôi tôm tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước), xã Phước Dinh (Thuận Nam) đã nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP từ vài ha ban đầu (năm 2013) đến nay tăng lên hàng trăm ha, mang lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững. Tại tỉnh Bến Tre, nổi bật là mô hình thí điểm ương tôm giống dựa trên Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và mở rộng thành mô hình thí điểm nuôi tôm thịt dựa trên RAS do Chính phủ Đan Mạch tài trợ công nghệ. Cùng đó là việc nghiên cứu cải tiến quy trình nhân sinh khối 3 loài tảo chính làm thức ăn cho thủy sản.
Là địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu cũng dành nhiều chương trình cho phát triển lĩnh vực này, nhất là việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ giảm tổn thất. Khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao sẽ là nơi trình diễn các mô hình nuôi thủy sản năng suất cao và sạch bệnh dựa trên các thiết bị tiên tiến và sử dụng công nghệ vi sinh, hệ thống nuôi sinh học, khép kín… Nơi đây còn trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học với công tác nghiên cứu, quản lý bảo vệ hệ sinh thái nước lợ mặn ở tỉnh Bạc Liêu; là nơi ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Đầu tư phát triển
Các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng cho rằng, mong muốn đưa ra cách làm mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Là một doanh nhân trẻ, chủ của một doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung cho biết, mới đây tỉnh Bình Thuận đã cấp phép cho Nam Miền Trung đầu tư trung tâm sản xuất tôm giống mang tầm quốc gia, quy mô khoảng 100 ha; Trung tâm này sẽ hội tụ rất nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ nuôi tôm giống. Nam Miền Trung sẽ áp dụng chuỗi sản xuất tôm giống hiện đại nhất thế giới tại đây.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao hiện nay còn gặp khó khăn về vốn, đất đai, chính sách… Theo chia sẻ của các nhà chuyên môn, các địa phương cần có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hình thành các trang trại nuôi thủy sản quy mô lớn công nghệ cao, an toàn sinh học.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (doanh nghiệp công nghệ cao ở Bạc Liêu) chia sẻ, đơn vị đã nghiên cứu và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm và nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mang lại thành công cho nhiều hộ dân. Điển hình là công nghệ Biofloc. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn sử dụng sản phẩm vi sinh của Trúc Anh tự nghiên cứu. Các mô hình nãy đã thành công; nhận được sự tin tưởng của người nuôi tôm và các nhà khoa học.
Tại Hội nghị về Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chủ trương lớn quan trọng của Đảng và Nhà nước; Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường quản lý, chính sách đồng bộ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Với lĩnh vực thủy sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh, Việt Nam, trước hết là ĐBSCL là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến, liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm.
>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000 ha diện tích đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn