Trong Quyết định số 2000/QĐ-BKHCN mới ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ KH&CN về quỹ gene cấp quốc gia thuộc chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030.
Theo đó, có 4 nhiệm vụ được phê duyệt - bắt đầu thực hiện từ năm 2018.
Cũng theo quyết định này, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật được giao phối hợp với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước để tổ chức các hội đồng KH&CN tuyển chọn, tổ thẩm định nội dung và kinh phí theo quy định hiện hành. Các nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt gồm:
Nhiệm vụ “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene cam Tây Giang, Quảng Nam” có mục tiêu: Bảo tồn, khai thác và phát triển được nguồn gene bản địa phục vụ sản xuất và chế biến cam Tây Giang nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phương thức tổ chức thực hiện: Tuyển chọn.
Yêu cầu đối với kết quả: Bộ tư liệu về đặc điểm nông sinh học và giá trị kinh tế của nguồn gene cam Tây Giang; quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cam Tây Giang; quy trình chế biến nước cam ép quy mô 1 tấn quả/mẻ; tiêu chuẩn cơ sở của nước cam ép; 5-10 cây đầu dòng sạch bệnh được công nhận, vườn giống gốc diện tích 2.000m2, vườn nhân giống trong nhà cách ly diện tích 500m2, công suất 5.000 cây giống/năm; mô hình trồng mới 5ha có sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ sống đạt tối thiểu 95%; mô hình thâm canh 5ha có năng suất và hiệu quả kinh tế tăng thêm 15% so với đại trà; 1.000 lít nước cam ép đạt tiêu chuẩn cơ sở; tham gia đào tạo 1 thạc sỹ; có 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene quýt Khốp và cam Khe Mây, Hà Tĩnh” có mục tiêu: Bảo tồn, khai thác và phát triển được nguồn gene quýt Khốp và cam Khe Mây nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phương thức tổ chức thực hiện: Tuyển chọn.
Yêu cầu đối với kết quả: Bộ tư liệu về đặc điểm nông sinh học và giá trị kinh tế của nguồn gene quýt Khốp và cam Khe Mây; quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản quýt Khốp và cam Khe Mây; 5-10 cây đầu dòng sạch bệnh được công nhận cho mỗi nguồn gene; 25 cây S0, 100 cây S1 cho mỗi loại nguồn gene; vườn nhân giống trong nhà cách ly có diện tích 500m2/nguồn gene, công suất 5.000 cây giống/nguồn gene/năm; mô hình trồng mới 5ha/nguồn gene có sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ sống đạt tối thiểu 95%; mô hình thâm canh 3ha/nguồn gene, có năng suất và hiệu quả kinh tế tăng thêm 15% so với đại trà; tham gia đào tạo 1 thạc sỹ; có 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene cây thạch đen (Mesona chinensis Benth.) tại Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía bắc” có mục tiêu: Khai thác và phát triển bền vững được nguồn gene cây thạch đen tại Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía bắc phục vụ sản xuất hàng hoá. Phương thức tổ chức thực hiện: Tuyển chọn.
Yêu cầu đối với kết quả: Báo cáo đánh giá thực trạng giống, sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ cây thạch đen; cơ sở dữ liệu nông sinh học và giá trị nguồn gene của cây thạch đen; quy trình nhân giống vô tính cây thạch đen; quy trình kỹ thuật thâm canh và quản lý dịch hại tổng hợp thạch đen; quy trình thu hoạch, sơ chế và chế biến bột thạch đen hàng hóa; tiêu chuẩn cơ sở giống, cây giống và bột thạch đen bán thành phẩm; 1-2 mẫu giống thạch đen đảm bảo chất lượng, năng suất cao hơn tối thiểu 15% so với sản xuất đại trà; 2.000m2 vườn giống gốc, 5.000m2 vườn nhân giống với công suất 100.000 cây giống/vụ; 3 mô hình thâm canh thạch đen (quy mô 1ha/tỉnh) có sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng, năng suất cao hơn tối thiểu 15% so với sản xuất đại trà; 20kg bột thạch đen bán thành phẩm hàm lượng chất khô ≥ 95%, thời gian bảo quản ít nhất 12 tháng; tham gia đào tạo 1-2 thạc sỹ; có 2-3 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene cây ươi (Scaphium macropodum) tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên” có mục tiêu: Phát triển được nguồn gene cây ươi lấy quả có năng suất, chất lượng cao nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Phương thức tổ chức thực hiện: Tuyển chọn.
Yêu cầu đối với kết quả: Báo cáo đặc điểm sinh học và cơ sở dữ liệu về giá trị nguồn gene cây ươi (chỉ tiêu năng suất, chất lượng quả và đa dạng di truyền); hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép, trồng thâm canh cây ươi lấy quả; hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản quả tzươi sau thu hoạch; tiêu chuẩn cơ sở của cây giống và quả ươi; ít nhất 50 cây trội lấy quả; 3ha vườn giống vô tính bằng cây ghép kết hợp khảo nghiệm giống (1ha/vườn); 9ha mô hình trồng thâm canh cây ươi có sự tham gia của doanh nghiệp tại 3 tỉnh từ ít nhất 10 cây trội tốt nhất để lấy quả (ít nhất 2ha/địa điểm), tỷ lệ sống ít nhất 85%; 50kg quả ươi đảm bảo chất lượng; tham gia đào tạo 1 thạc sỹ; có 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành.