Mô hình áp dụng SRI, IPM tại xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) vụ ĐX 2018 |
Nhằm kịp thời đẩy mạnh việc áp dụng chương trình Quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) và Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), vụ ĐX 2017 - 2018, Cục BVTV đã chỉ đạo Trung tâm BVTV phía Bắc, Trung tâm BVTV khu IV tái khởi động các mô hình hỗ trợ nông dân SX lúa gạo an toàn, chất lượng cao, đồng thời liên kết hợp tác tiêu thụ, chế biến với một số DN lớn tại phía Bắc.
Theo đó, các mô hình áp dụng SRI, IPM đã được triển khai với quy mô 20ha/vùng/tỉnh, tập trung thành cánh đồng lớn, có các DN tham gia liên kết hợp đồng bao tiêu tại các tỉnh có truyền thống SX gạo hàng hóa chất lượng như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An...
Thông qua các lớp tập huấn, nông dân tham gia mô hình đã cơ bản nắm vững quy trình SRI và nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV hợp lý giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và rủi ro do thuốc BVTV gây ra; quản lý các đối tượng sâu bệnh hại chính (rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn …); kỹ thuật bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học; cấy mạ non, hàng thưa, tưới và rút nước chủ động...
Ông Phan Văn Hòa, GĐ Cty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (Nghệ An), một trong năm đơn vị, DN tham gia liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo tại các mô hình áp dụng SRI, IPM phấn khởi cho biết: Tính tới vụ ĐX 2017 - 2018, Cty đã tiến hành liên kết với nhiều HTX tại các tỉnh Bắc Trung Bộ với tổng diện tích khoảng 3.000ha để SX gạo chất lượng cao. SX hàng hóa an toàn theo hướng hữu cơ là chiến lược mà Cty đã mạnh dạn triển khai từ hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải nhất lâu nay, đó là vấn đề quản lí sâu bệnh và tồn dư thuốc BVTV, nhất là các giống lúa chất lượng cao thường có nguy cơ nhiễm sâu bệnh rất nặng. Trong khi đó với đặc thù số hộ nông dân tham gia liên kết SX quá đông, việc phổ biến và triển khai thực hành SX lúa theo hướng an toàn, bền vững gặp vô cùng khó khăn.
Vụ ĐX 2017 - 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm BVTV khu IV, Cty Vĩnh Hòa đã thí điểm triển khai liên kết với HTX Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) với diện tích 20ha để SX lúa thông qua áp dụng IPM, SRI. Ngay vụ đầu, hiệu quả mà các tiến bộ kỹ thuật này mang lại đã khiến Cty không thể hài lòng hơn.
Theo ông Phan Văn Hòa, kết quả đánh giá chi tiết cho thấy việc áp dụng SRI, IPM đã giúp nông dân giảm được 1,5 lần phun thuốc BVTV không cần thiết; giảm được nhiều chi phí SX như giảm được 10kg thóc giống, 37 kg đạm ure/ha..., nhưng lại giúp năng suất tăng từ 10 -15%.
Đặc biệt, lúa SX theo quy trình SRI, IPM theo phương pháp mạ non, hàng thưa giúp tỉ lệ bông/hạt hữu hiệu tăng, hạt gạo béo, tỉ lệ xay xát tăng rõ rệt. Quan trọng nhất qua kiểm tra, đã cho thấy gần như kiểm soát được hoàn toàn vấn đề về dư lượng thuốc BVTV. Đây là những yếu tố cơ bản để các DN có thể SX gạo an toàn... Đây cũng là năm mà lúa sạch bệnh, năng suất tại mô hình ở xã Hưng Thắng cao nhất từ trước tới nay với bình quân hơn 3 tạ/sào.
Vùng nguyên liệu SX gạo an toàn, chất lượng cao của Cty TNHH Toản Xuân (Nam Định) |
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Cty TNHH Toản Xuân (Nam Định), một DN đang liên kết với hơn 10 HTX tại Nam Định để SX lúa chất lượng cao với diện tích trên 1.000ha trong vụ ĐX 2017 - 2018 cho biết: Chủ trương của Cty sẽ chỉ vươn ra thị trường lúa gạo chất lượng cao để cạnh tranh với gạo NK tại thị trường trong nước. Theo đó, DN tự tin khẳng định đã và sẽ chỉ cho ra thị trường dòng gạo chất lượng cao với đơn giá 800 – 1.000 USD/tấn. Để làm được điều này, yếu tố SX gạo theo hướng bền vững, an toàn theo quy trình SRI, IPM đang là chìa khóa của DN.
“Hiện các DN muốn có gạo chất lượng cao, tiến tới hướng SX hữu cơ bắt buộc phải đầu tư rất lớn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật để giám sát và hướng dẫn nông dân thực hành SX an toàn. Vì vậy, nếu có thêm sự hỗ trợ của hệ thống cán bộ ngành BVTV để chuyển giao, tập huấn và mở rộng các quy trình SRI, IPM cho nông dân tại các vùng liên kết SX với DN sẽ là điều vô cùng tốt và hiệu quả", ông Toản chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Oánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Nội), địa phương áp dụng mô hình liên kết SX tiêu thụ gạo theo quy trình SRI, IPM phấn khởi đánh giá: Thanh Văn từ lâu đã là xã điển hình tại Hà Nội về SX lúa gạo “nói không với thuốc BVTV”, trong đó việc áp dụng quy trình SRI, IPM một cách bài bản là chìa khóa để xã đạt được thành công như hôm nay. “Hiện tại, đã có 200/tổng số 400ha lúa toàn xã áp dụng theo SRI, IPM. Quan trọng nhất là đã thay đổi được căn bản tư duy, nhận thức của nông dân địa phương”, ông Oánh cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn