Từ năm 2014, tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng mô hình này và phát huy được nhiều kết quả. Vụ Thu Đông năm 2016, mô hình được nhân rộng tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười với quy mô 60 ha/63 hộ. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% lúa giống với lượng 100 kg/ha, 30% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó nông dân thực hiện mô hình còn được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng, bón phân cân đối và hiệu quả, cách nhận diện và phòng trừ các đối tượng dịch hại chủ yếu trên ruộng lúa, quy trình quản lý nước ngập khô xen kẽ và đặc biệt là biện pháp canh tác làm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
So với kỹ thuật canh tác truyền thống, áp dụng 3 giảm 3 tăng nông dân đã giảm được 80 kg lúa giống/ha với lượng giống khuyến cáo là 100 kg/ha. Ngoài ra, do bón phân đúng theo quy trình canh tác nên không những lúa phát triển tốt mà nông dân còn giảm được tương đương 800 ngàn đồng/ha chi phí phân bón. Do giảm giống, giảm phân bón nên ruộng lúa thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hơn, vì vậy số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm 1,7 lần tương đương gần 1 triệu đồng/ha. Cuối vụ năng suất lúa đạt 6,1 tấn/ha (lúa khô ẩm độ 14%) cao hơn ngoài mô hình 400 kg/ha, chất lượng sản phẩm đạt theo yêu cầu, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó có thể cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng lợi nhuận. Chi phí sản xuất trong mô hình thấp hơn so với ngoài mô hình 3 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân là 13,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình 5 triệu đồng/ha.
Ngoài việc góp phần giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất lúa, nhất là trong thời kỳ giá cả giống lúa, vật tư tăng cao như hiện nay, mô hình còn hướng dẫn để nông dân làm quen với sổ tay ghi chép trong quá trình sản xuất, giúp họ tự hạch toán chi phí sản xuất của gia đình. Áp dụng mô hình này còn hạn chế được hiện tượng đốt đồng, giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm; đồng thời thực hiện quy trình quản lý nước ngập khô xen kẽ đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nên giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đã góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho các loại cây trồng vật nuôi khác trên cùng diện tích phát triển bền vững, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Bích Trâm
Nguồn tin: www.khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn