Những giọt sữa sạch, được chắt lọc từ sự kết hợp giữa “đẳng cấp công nghệ cao của thế giới” và “tinh túy tài nguyên thiên nhiên đất Việt” đã định vị một thương hiệu TH true Milk. Và những thành công bước đầu của Tập đoàn TH, từ mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào nông nghiệp và nông thôn đã góp phần không nhỏ từng ngày “thay da, đổi thịt” ở vùng mà doanh nghiệp này đứng chân.
Áp dụng quy trình sạch, khép kín
Phủ Quỳ vốn là vùng đất màu mỡ như đúc kết của nhiều thế hệ đi trước: “Nam Đác Lắc, Bắc Phủ Quỳ”, nhưng bao năm qua vẫn là một địa bàn nghèo của tỉnh Nghệ An, do chưa có điều kiện áp dụng công nghệ cao vào canh tác, chưa lựa chọn được giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nên năng suất đạt trên mỗi héc-ta vẫn còn thấp. Với tư duy nhạy bén, lãnh đạo Tập đoàn TH nhận thấy, nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng cơ chế tưới tiêu khoa học, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp sẽ giúp tăng năng suất cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường theo phương thức cũ.
Một ly sữa tươi sạch, thẩm thấu trọn vẹn tinh túy thiên nhiên chỉ có được sau rất nhiều công đoạn phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào. Có thể nói, nếu công nghệ chế biến là “ngọn” thì phần nguyên liệu chính là “gốc rễ”. “Sâu rễ, bền gốc” thì mới có thể vững mạnh. Xác định được các yếu tố để bảo đảm chất lượng của sữa là bao hàm trọn vẹn cả một chu trình khép kín được kiểm soát và quản lý sát sao. Sữa tươi sạch chỉ có thể chắt lọc từ quá trình chăn nuôi sạch - gồm ăn sạch, ở sạch và uống sạch. “Sạch” không chỉ là một khái niệm mù mờ, chung chung mà là một quy trình hiện đại, khép kín đạt quy chuẩn, từ chọn giống, nuôi bò, hệ thống quản lý đàn và thức ăn đến vắt sữa, đóng gói, vận chuyển và cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.
Nguồn giống được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước chăn nuôi bò sữa nổi tiếng như New Zealand, Australia... để bảo đảm giống bò có chất lượng sữa tốt nhất, có phả hệ rõ ràng. Từ những cá thể đầu tiên “nhập tịch” vùng đất Nghĩa Đàn, đến nay đàn bò của TH true Milk đã phát triển rất nhanh với số lượng hơn 40.000 con, trong đó có hàng nghìn con thuộc thế hệ hai và ba. Trong tương lai, đàn sẽ có tới 137.000 con vào năm 2017, chiếm 50% tổng số bò sữa cả nước.
Tại một trong bảy trang trại hiện có, những con bò sữa hiền lành, chậm rãi di chuyển vào từng ô trong dây chuyền vắt sữa tự động, ba lần một ngày, sau khi đã được tắm mát, sấy khô, làm vệ sinh núm vú trong tiếng nhạc dặt dìu. Sáu giàn vắt sữa, mỗi giàn cùng lúc vắt được 120 con bò. Sản lượng sữa đạt từ 38 - 60 lít/con/ngày. Được quản lý đàn bằng phần mềm Afifarm của Afikim (Israel), mỗi con bò đều được gắn chip AfiTag ở chân để giám sát chặt chẽ về sức khỏe, sự thoải mái và sản lượng sữa. Tất cả thông tin của từng cá thể bò được phân tích để đưa ra quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi tại trang trại, phân loại nhóm bò, luân chuyển đàn, phát hiện động dục sớm với tỷ lệ chính xác hơn 97%, quản lý sinh sản và phát hiện sớm bệnh viêm vú.
Từ đây, những dòng sữa mát lành được kiểm tra chất lượng tự động, được chuyển theo hệ thống ống lạnh tự động, chảy qua bồn trung gian, qua bộ phận lọc đặc biệt rồi làm lạnh dưới 4 độ C, chuyển qua xe bồn lạnh để tới thẳng nhà máy chế biến. Được nhập khẩu toàn bộ dây chuyền máy móc cũng như công nghệ chế biến sữa hàng đầu châu Âu của Tetra Pak, nhà máy có thể xuất xưởng khoảng 600 tấn sữa/ngày.
“Thay da, đổi thịt” vùng quê nghèo
Đến với Nghĩa Đàn hôm nay, dễ choáng ngợp khi nhìn ngắm những “cánh đồng nguyên liệu” xanh mướt, ngút ngàn tầm mắt, như những tấm lụa khổng lồ đủ mầu phủ lên hàng nghìn héc-ta đất đỏ. Cao lương Mỹ, ngô, hoa hướng dương, cỏ Mombasa... xanh non mỡ màng thay thế cho những cam, mía, cao-su, cà-phê... kém hiệu quả kinh tế của các nông - lâm trường ngày trước. Từ thu nhập tối đa 70 triệu đồng/năm cho một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trước đây, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào các loại cây trồng nên một đơn vị diện tích giờ đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 10 lần. Cá biệt có những loại cây mới như cao lương Mỹ đem lại giá trị vượt bậc 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Khát khao của chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như nhà đầu tư khi triển khai dự án này là tạo bước chuyển mình lớn lao trong lịch sử phát triển của vùng đất Phủ Quỳ, giúp tỉnh cất cánh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Giấc mơ ấy, hôm nay, đã phần nào biến thành hiện thực.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn