Dự án tiếp cận và tái tạo năng lượng ở Quảng Bình: Góp phần xây dựng nông thôn mới
Thứ ba - 21/01/2014 20:51
Sau một năm thực hiện, Dự án (DA) Tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững ở Quảng Bình đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Báo cáo kết quả thực hiện DA Tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững ở Quảng Bình, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), thuộc Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Mục tiêu của DA là thiết lập 2 tổ dịch vụ biogas tại 2 huyện, thành phố có đủ năng lực cung cấp dịch vụ xây dựng, lắp đặt hầm biogas tại địa phương. Giới thiệu, nhân rộng công nghệ khí sinh học, kỹ thuật sản xuất phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp và bã/nước thải hầm biogas cho hộ nông dân trên địa bàn tham gia DA.
Năm qua, dự án đã chọn được 30 xã thuộc huyện Bố Trạch, TP.Đồng Hới tham gia với 2 tổ dịch vụ gồm 12 thợ xây. Trong vòng 12 tháng, dự án xây dựng được 60 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh ở 30 xã. Tổ chức 30 hội nghị khách hàng, giới thiệu công nghệ biogas và các hoạt động của DA với 635 người tham dự. Nhờ đẩy mạnh các giải pháp tích cực, DA đã xây dựng được 116 hầm biogas, từ đó phát huy hiệu quả trong việc xử lý an toàn chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tạo ra nguồn khí đốt phục vụ đời sống nhân dân. Đặc biệt, hầm biogas góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí môi trường của chương trình XDNTM.
Qua kiểm tra các mô hình, ông Thịnh khẳng định: “Trong thời gian triển khai, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết khắc nghiệt, bão lũ hoành hành song DA vẫn được triển tốt, mô hình ngày càng được nhân rộng , góp phần XDNTM”.
Ông Trương Đình Sơn, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình, cho biết thêm, chỉ tiêu xây dựng hầm biogas đạt 116% kế hoạch (loại VACVINA cải tiến 5 hầm, thể tích 7- 9m3/hầm; composite 111 hầm). Mô hình trình diễn 20 hầm; hầm khuyến mại 40; hầm nhân rộng 56; tập trung ở huyện Bố Trạch, nơi có nghề chăn nuôi phát triển. Để phù hợp với điều kiện mưa bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra, mạch nước ngầm cao, thông qua sự tư vấn của cán bộ DA và cán bộ Hội Làm vườn, người dân đã chọn loại hầm composite, bởi có độ bền cao, phù hợp với nhu cầu.
Về kinh phí xây dựng, phần lớn các hộ dân đều nghèo, để có một khoản tiền đủ xây dựng hầm biogas là rất khó (nếu không có DA hỗ trợ và nguồn vốn vay tín dụng khác). Cụ thể, chi phí xây dựng, lắp đặt khoảng 12 - 13 triệu đồng/hầm, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của DA, vốn tự có của gia đình chiếm khoảng 30 - 40%, còn lại bà con phải vay ngoài nên còn khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, với sự cố gắng từ nhiều phía, 60 hộ ở huyện Bố Trạch và TP.Đồng Hới đã thực hiện thành công mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn giúp môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp.
Ông Phan Xuân Hiêm, Phó chủ tịch Hội Làm vườn huyện Bố Trạch, đánh giá: “Kế hoạch triển khai DA 1 năm, nhưng thực tế thực hiện chưa đầy 6 tháng, bởi mưa lũ kéo dài, giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Nhờ được DA hỗ trợ (3 triệu đồng/hộ), tổ dịch vụ kỹ thuật trực tiếp xây dựng lắp hầm, cán bộ lãnh đạo Hội trực tiếp hướng dẫn nên người dân rất phấn khởi, tin tưởng thực hiện”.
Thấy được hiệu quả thiết thực của DA, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần có chính sách cho người dân vay vốn xây dựng công trình hầm khí sinh học biogas. Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (COICA), CCRD tiếp tục hỗ trợ cho Quảng Bình DA xây dựng hầm khí biogas, kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại 3 huyện: Quảng Ninh, Quảng Trạch và Tuyên Hóa trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Yi Jong Su, Phó đại diện thường trú Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội, hy vọng, DA sẽ được nhân rộng, phát triển để các hộ dân ở vùng nông thôn có cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.