Từ năm 2011 đến nay, với sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện, HLV&TT tỉnh Thanh Hóa, việc tự chế biến phân bón hữu cơ từ rơm rạ đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Sơn. Trước hết, về hiệu quả kinh tế, bà con không còn phải đầu tư nhiều tiền để mua phân bón như trước mà có thể tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh từ rơm rạ.
Theo ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch HLV&TT tỉnh Thanh Hóa, việc sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ sẽ giúp hạn chế, phòng chống bệnh vàng lá, nghẹt rễ sinh lý cho cây lúa, giúp lúa cứng cây, phát triển cân đối, đẻ nhánh tập trung nên giảm được tỉ lệ sâu bệnh gây hại. Bên cạnh đó, phân hữu cơ từ rơm rạ cũng mang lại nhiều kết quả cao trên các loại cây trồng khác như ngô, khoai, rau màu... Ngoài ra, việc xử lý rơm, rạ sau thu hoạch làm thành phân bón hữu cơ còn có ý nghĩa thực tiễn và khoa học cao trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, khơi thông dòng chảy các mương máng thủy lợi, tăng năng suất lúa và tạo điều kiện xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục đồng hành với hội viên Hội Phụ nữ và bà con nông dân để phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng phân bón hữu cơ trên đồng ruộng, góp phần xây dựng thành công mô hình kinh tế xanh tại địa phương.
Theo kế hoạch, năm 2013, Hội Phụ nữ huyện Đông Sơn phối hợp với HLV&TT tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ công nghệ và chế phẩm sinh học để sản xuất 72 tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại xã Đông Văn. Mới đây, tại thôn Văn Thắng, chị em đã được Hội hướng dẫn quy trình làm phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ và đến nay, hầu hết bà con đã sản xuất thành thạo.
Minh Ánh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn