Tuy nhiên, ngành dâu tằm nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Đã có một số nghiên cứu để lai tạo các giống lưỡng hệ kén trắng nhưng độ ổn định của các giống này chưa cao, chất lượng tơ còn thấp, tỷ lệ lên tơ tự nhiên thấp. Thiếu hệ thống nhân giống và sản xuất giống tằm lưỡng hệ. Các giống đa hệ của Việt Nam cho chất lượng tơ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất dâu tằm tơ, trong khi đó nhu cầu nuôi tằm lưỡng hệ là rất lớn, đa số các giống tằm lưỡng hệ kén trắng (cho chất lượng tơ tốt và năng suất cao) đều đang được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc, không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất. Việc nhập khẩu chính ngạch giống tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam để đảm bảo chất lượng trứng giống vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và xúc tiến thương mai, chưa được phía bạn chấp thuận. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phát triển ngành dâu tằm tơ còn yếu kém, đội ngũ nhân lực còn thiếu, đã nhiều năm qua không có chương trình đào tạo đại học về dâu, tằm. Bên cạnh đó, hiện nay ngành dâu tằm của nước ta còn gặp nhiều vướng mắc trong quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế, liên kết chuỗi, công nghệ chế biến và kiểm dịch. Là một quốc gia đứng thứ 5 về sản xuất kén nhưng vẫn phải nhập tơ để sản xuất gia công hàng tơ lụa.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, song ngành dâu tằm tơ nước ta vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Trong thời gian qua đã có các giống dâu lai mới năng suất cao được đưa vào sản xuất; công nghệ kỹ thuật cải tiến nuôi tằm con tập trung, công nghệ ươm tơ chuyển đổi từ ươm tơ cơ khí qua ươm tơ tự động làm tăng năng suất ngành dâu tằm tơ. Cùng với đó, giá cả tơ lụa trên thị trường thế giới luôn ổn định, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội.
Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ, tại “Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững” tổ chức tại thành phố Đà Lạt ngày 06/3/2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong Luật Chăn nuôi đã có con tằm, chiến lược chăn nuôi cũng có con tằm. Từ định hướng chiến lược đó, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có một Chương trình tổng thể về phát triển dâu tằm tơ trước mắt và dài hạn. Trong đó tập trung các giải pháp phát triển trong thời gian tới như sau:
Một là, Triển khai tốt Luật Chăn nuôi, chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Hai là, Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm dâu tằm, giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Thực hiện điều tra khảo sát, đánh giá lại thực trạng cung ứng, sử dụng giống tằm và sản xuất dâu tằm tơ đối với các tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm, trên cơ sở đó phối hợp với địa phương xây dựng Đề án phát triển bền vững chăn nuôi tằm (Đề án phải có tầm nhìn, hiệu quả và khả thi).
Ba là, Hiện đại hóa công nghiệp ươm tơ và dệt lụa. Đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng quy mô sản xuất.
Bốn là, Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống dâu, tằm hiện có. Chuyển giao và phát triển sản xuất các giống dâu, tằm mới có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo sản xuất dâu tằm tại các địa phương.
Năm là, Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đầu tư chế biến sản phẩm liên kết theo chuỗi. Doanh nghiệp hoạt động gắn với vùng nguyên liệu, chịu trách nhiệm cung ứng giống và các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đồng thời thu mua sản phẩm trong vùng.
Sáu là, Tăng cường công tác Khuyến nông, đào tạo, tập huấn, chuyển giao TBKT cho người trồng dâu, nuôi tằm. Phát triển sản xuất dâu, tằm theo hướng liên kết chuỗi (Hiệp hội, HTX, THT, tổ đội...), truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo ATTP, chủ động sản xuất để cân đối cung – cầu.
Bảy là, Thực hiện đàm phán và xúc tiến thương mại việc nhập khẩu giống tằm thuần chủng năng suất cao, thế hệ mới từ Trung Quốc phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Đặc biệt, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống tằm tăng cường phối hợp với các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhất là các nhà khoa học để phía Bạn “chuyển giao các TBKT về giống và vật liệu di truyền” cho công tác lai tạo, bồi dục nâng cao năng suất và tỷ lệ tơ, kén của các giống tằm trong nước phục vụ sản xuất của các địa phương, nhất là đối với vùng Tây Nguyên để tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Từng bước “tự” sản xuất được trứng giống để có được thương hiệu Quốc gia về nghề dâu tằm.
Tám là, Các địa phương, các doanh nghiệp chủ động huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, nâng cấp hệ thống nhân giống dâu, chuyển giao và phát triển sản xuất các giống dâu mới có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu sản xuất dâu tằm tại các địa phương và đơn vị mình. Đầu tư nguồn lực là cán bộ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, ươm tơ và dệt lụa để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Theo Văn Thọ/mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn