Những năm qua, khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về sức khỏe và tiền bạc của con người trong cả nước. Và Hà Tĩnh cũng là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, môi trường và sức khỏe người dân…
Để đối phó với những khó khăn do khí hậu gây ra, ngày 19/5/2014 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quyết định số 1373/QĐ – UBND; cùng với Đề án, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, định hướng cho phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong đó, Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trong trong việc thay đổi thói quen tập tục canh tác “trông vào trời” của người dân bao đời.
Nuôi cá chim vây bằng lồng bè mang lại hiệu quả cao
Ứng dụng công nghệ sinh học được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ý thức rõ điều này, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển; xác định được một số giống mới thích ứng và có hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công đó, huyện Thạch Hà tiếp tục phối hợp trồng thử nghiệm cây ăn quả như: ổi Đài Loan, hồng xiêm, xoài, na... trên vùng đất cát ven biển tại xã Thạch Văn; khảo nghiệm giống cây chùm ngây, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa cây trồng của vùng.
Một trong những ứng dụng khoa học nổi bật, đang được triển khai trên địa bàn đó là sử dụng các loại phân bón vi sinh, không nguy hại đến môi trường.
Ông Bùi Trọng Bình – Giám đốc trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Hà Tĩnh cho biết: “Từ năm 2009 được sự hỗ trợ của Bộ khoa học và Công nghệ, trung tâm đã “bắt tay” vào nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ sản xuất chế phẩm hatimic xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón. Chế phẩm Hatimic xử lý được mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường; giúp tận dụng được chế phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón, tiết kiệm được khoảng 20% chi phí”.
Mô hình tiêu biểu về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải nói đến mô hình bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) và cam bù Hương Sơn.
Bưởi Phúc Trạch có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng, các tép bưởi giòn tan, mọng nước, ăn vào miệng sẽ có cảm giác chua chua, thanh thanh. Để tránh ánh nắng chiếu vào làm rám vỏ bưởi, ít nước bà con nông dân đã sử dụng kỹ thuật dùng bao bì bọc quả lại.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Hương Khê hiện có 1.450 ha trồng bưởi, trong đó có 980 ha dự tính sẽ được thu hoạch vào tháng 8 và tháng 10 năm nay. Theo số liệu thống kê ban đầu, năng suất năm nay cũng tăng từ 15 – 20%”. Để bà con yên tâm trồng và phát triển bưởi Phúc Trạch, Cam bù Hương Sơn, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Sắp tới, Sở sẽ trình UBND tỉnh đề án đầu tư phát triển cam Thượng Lộc ( huyện Can Lộc) trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho địa phương này, ông Thanh cho biết thêm.
Ngoài ra, nhằm rút ngắn thời vụ, tăng năng suất, thời gian qua Sở NN&PTNT đã phối hợp với trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Hà Tĩnh nghiên cứu, cung ứng các loại cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả cao như: giống lúa năng suất cao N87, thiên ưu….; giống lúa chất lượng: P6, RPT.., giống lạc chủ lực L14; L23…
Ông Bùi Trọng Bình – Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Hà Tĩnh cho biết: “Với các loại giống lúa ngắn ngày bà con nông dân có thể chủ động mùa vụ, tiết kiệm nước và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. So với các loại giống dài ngày thì năng suất từ giống lúa ngắn ngày tăng lên khoảng 95%. Các loại giống ngắn ngày không chỉ được áp dụng ở lúa mà lạc cũng được nhân rộng trên toàn tỉnh, mang lại hiệu quả cao.
Trồng rau sạch trên cát – một hướng đi mới
Chuyện tưởng chừng như không làm được ở những sa mạc cát rát bỏng, ấy vậy mà hàng ngàn hộ dân ở các huyện ven biển Hà Tĩnh đã đổi đời nhờ “trồng rau sạch trên cát”.
Tháng 9/2013, Mitraco Hà Tĩnh cùng các chuyên gia nông nghiệp đến từ các nước thực hiện dự án trồng thử nghiệm rau củ quả trên vùng đất hoang hóa, bạc màu tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà). Dự án khởi đầu với diện tích 12ha trồng thử nghiệm cùng 32 loại rau củ quả các loại như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa chuột, ớt Đà Lạt... sử dụng tưới theo công nghệ Israel với hệ thống tưới phun tự động, tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt phù hợp với vùng sa mạc kết hợp với việc cải tạo đất, đã mang lại sự sống cho vùng đất cát trắng.
Hiện, không chỉ vùng ven biển cát Thạch Văn áp dụng thành công mô hình trồng rau trên cát, mà người dân vùng cát ở huyện Thạch Hà; Cẩm Hòa; Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên),... đã trở thành những vệ tinh tích cực trong mô hình trồng rau trên. Với mô hình này đã giải quyết được phần lớn lực lượng lao động nhàn rỗi, mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Mô hình trồng ớt trên cát
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân hợp tác xã sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Từ ngày tham gia vào trồng rau sạch ở hợp tác xã, cuộc sống của gia đình tôi khá hơn. Mỗi tháng thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Mô hình trồng rau trên cát, áp dụng công nghệ Israel với hệ thống tưới phun tự động, tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt, hàng ngày Hà Tĩnh cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn rau sạch. Với mô hình này, không những Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã thành công trong việc đón đầu công nghệ mà còn là bước đi hiệu quả để phát triển nông nghiệp, biến vùng đất cát “bạc màu” trở thành những cánh đồng rau sạch đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Sắp tới Sở sẽ có đề án “biến” 137 km bờ biển của tỉnh trở thành những vùng chuyên canh trồng rau sạch, sẽ mở ra hướng đi mới cho địa phương.
Thách thức…
Hà Tĩnh là một tỉnh kinh tế dựa vào phát triển nông nghiệp, tuy nhiên phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ. Để thay đổi tập tục canh tác của người dân theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đó là vấn đề không hề đơn giản.
Hơn nữa để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa, không chỉ dừng lại ở thay đổi tập tục canh tác của người dân, ở sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh mà yếu tố quan trọng góp phần thay đổi tư duy canh tác của người dân bao đời chính là phải có những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đảm bảo đầu vào và ra cho người nông dân và đây là bài toán không hề dễ dàng.
Dù việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp ở Hà Tĩnh đã có những bước khởi sắc, bước đầu thay đổi tư duy canh tác bao đời của người nông dân. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp.
Theo Quỳnh Nga- Phan Hoài/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn