Từ chiếc bếp tuổi thơ…
Kể về sự ra đời của chiếc bếp đun củi này, ông Thắng tâm sự: Ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Long Đống, huyện Bắc Sơn, nơi trước đây có những cánh đồng lúa chín vàng và những khu rừng xanh xa tít chạy dọc chân trời. Lớn lên ông đi thoát ly, tham gia nhiều ngành nghề khác rồi được nghỉ theo chế độ.
Sau đó, ông cùng vợ con sinh sống tại TP.Lạng Sơn. Mặc dù sống giữa phố thị đông vui, nhộn nhịp và hiện đại, nhưng với ông Thắng chiếc bếp lò, củi lửa với nguyên liệu đun nấu rơm rạ, vỏ trấu, củi ở quê nhà vẫn là một phần ký ức đẹp trong tuổi thơ của ông.
Ông Hoàng Quang Thắng bên sáng chế của mình, sản phẩm đã phục vụ đời sống nhiều bà con nông dân vùng nông thôn.
Mỗi lần có dịp về quê, ông vẫn thấy bà con trong làng dùng những bếp trần và thường ngày phải lên rừng kiếm củi về đun nấu. Vì vậy, nhiều khu rừng đã bị chặt hạ, người dân phải đị bộ cả một buổi sáng mới kiếm được gánh củi, nhưng chỉ đun được một hai ngày lại hết và rồi cuộc sống cứ lại xoay vần như vậy mãi...
Ông chia sẻ, sau khi xí nghiệp giải thể vào năm 1992, ông rời những con số, những phép tính trở về với những trăn trở, gánh nặng gia đình. Sau nhiều năm bon chen chợ búa, ông ấp ủ suy nghĩ về việc chế tạo ra một sản phẩm độc quyền, tiện lợi phục vụ đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Và chính từ suy nghĩ đó, sau 4 năm nghiên cứu, mày mò và 4 lần cải tiến, ông Thắng đã cho ra đời sản phẩm bếp lò củi đa năng di dộng với nhiều tính ưu việt phục vụ bà con.
Qua 4 lần cải tiến, đến nay sản phẩm của ông đã có những ưu điểm nổi trội nhất.
“Tôi bắt đầu bắt tay nghiên cứu từ năm 2012. Qua 4 lần cải tiến, đến nay tôi đã có sản phẩm đời F4 tích hợp nhiều ưu điểm vượt trội nhất. Chiếc bếp lò củi này của tôi là sản phẩm phục vụ bà con nông dân ở vùng nông thôn, vì ở thành phố hiện nay hiếm nhà còn sử dụng bếp củi, họ chủ yếu dùng các thiết bị bằng điện, bếp ga, hoặc lò than. Nhiều người giờ đây, chắc còn ít ai biết đến những bếp lò rực lửa ngày đông nơi xóm vắng, nhưng với tôi nó là kỉ niệm, là ký ức, là cả tuổi thơ”, ông Thắng tâm sự.
Đến chiếc bếp củi đa năng
Qua tìm hiểu trên thị trường, hầu hết các cửa hàng đều bán bếp đun than tổ ong, bếp lò đun than... Các bếp này đều không thể đốt được những thanh củi hoặc tận dụng rơm rạ, lõi ngô, mùn cưa, lá cây... mà ở nông thôn rất sẵn có. Với mong muốn giúp đỡ người nông dân tận dụng các loại vật liệu sẵn có ở nông thôn dùng để đun nấu, ông đã đưa ra thị trường những chiếc bếp lò đầu tiên ông sáng chế ra vào năm 2012.
Sản phẩm bếp lò củi đa năng di động được nhiều người lựa chọn vì tính tiện lợi và tiết kiệm vật liệu đốt của nó.
Bếp hoàn thành nhưng đưa vào thử nghiệm lại không đạt hiệu quả như mong muốn, ông Thắng không nản chí mà vẫn kiên trì với ý tưởng của mình. Bốn năm với 3 lần cải tiến, hiện sản phẩm đời F4 có nhiều tính năng hơn, giảm chất đốt, giảm khói bụi, bếp có khoảng cách chống bớt nóng vỏ lò và giữ nhiệt cho lò bằng tro bếp.
Bếp có hai cửa cho củi vào đốt, để tiết kiệm củi khi nấu cơm thì đóng một cửa lại, nếu nấu cám lợn hoặc nấu rượu với số lượng lớn thì mở hai cửa để lửa bốc to đun nhanh.
Ông cho biết, chiếc bếp củi đa năng di động của ông gồm 6 bộ phận chính, đó là chân lò, thân lò, kiềng chính, kiềng phụ, bát lò và sàng lò. Bếp được đúc hoàn toàn bằng gang nên độ giữ và chịu nhiệt rất tốt.
Sản phẩm hiện nay có 2 loại có giá từ 750.000 đồng - hơn 1 triệu đồng/ bếp lò tùy cân nặng.
Hiện nay, ông Thắng sản xuất hai loại lò, loại nhỏ có trọng lương nặng 23kg dùng cho nấu cơm, đun nước, cho gia đình ít người; loại to có trọng lượng 35kg phục vụ gia đình đông người, nấu nướng với số lượng lớn. Bếp lò có thể tháo dời từng bộ phận và lắp ghép lại trong năm phút và bếp được di chuyển bất cứ chỗ nào thuận lợi theo ý của gia đình.
Sau hơn 4 năm đưa sáng chế vào thị trường, ông Thắng đã có hơn 1.000 chiếc bếp về đến và phục vụ bà con ở Kon Tum, Gia Lai, Thái Bình, Bắc Giang và bà con nông dân các huyện trong tỉnh.
Chiếc bếp lò củi được đúc hoàn toàn bằng gang nên chịu nhiệt, chịu lực, giữ nhiệt rất tốn nhờ đó mà tiết kiệm nguồn nguyên liệu đốt.
Dù chiếc bếp lò củi được bà con tin tưởng sử dụng, nhưng ông Thắng vẫn luôn trăn trở về nơi đúc các bộ phận cấu thành của chiếc lò. “Hiện nay hàng tháng tôi phải về tận Hải Phòng để đặt đúc lò vì hiện tại Lạng Sơn chưa có cơ sở đúc lò gang nào nên chi phí vận chuyển, đi lại cao kéo theo chi phí giá một chiếc lò cao.
Với nhiều gia đình có điều kiện, việc bỏ ra 700.000 đồng đến hơn 1 triệu mua 1 cái bếp lò thì không là gì nhưng sản phẩm này của tôi mục đích là để phục vụ bà con nông dân ở các vùng quê, vùng nông thôn còn khó khăn nên tôi muốn giá thành nó phải thực sự hợp lý với túi tiền của bà con," ông Thắng nói.
Sản phảm này đang được nhiều bà con vùng quê sử dụng và hài lòng về hiệu quả của nó.
Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân chân lấm tay bùn vùng nông thôn, ông Thắng luôn muốn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa để phục vụ bà con với những tính năng ưu việt, tiện lợi và giá thành hợp lý trong tương lai.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn