Đây là dự án được Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn và Hội Làm vườn tỉnh tổ chức thực hiện.
Từ năm 2014, Dự án "Nhân rộng mô hình tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững" đã được triển khai thí điểm tại 2 huyện Can Lộc và Cẩm Xuyên với sự tham gia của 2 tổ dịch vụ. Nhờ đẩy mạnh các giải pháp tích cực, dự án đã xây dựng được 120 bể biogas và 60 hộ làm phân bón hữu cơ. Theo đánh giá ban đầu, dự án đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý an toàn chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tạo ra khí đốt phục vụ đời sống nhân dân.
Năm 2016, dự án tiếp tục hỗ trợ xây dựng bể bioga tại 4 địa phương: huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh. Mỗi địa phương đã thành lập 1 tổ dịch vụ để hướng dẫn và thực hiện xây dựng 30 bể biogas tại các hộ gia đình.
Trong khuôn khổ thực hiện, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí xây dựng hầm biogas, mỗi bể 3 triệu đồng cho người dân. Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức tập huấn cho các hội viên về cách sản xuất phân bón sinh học từ bã thải biogas và phế thải nông nghiệp, cách sử dụng BIO VAC để phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Tại hội nghị, đại biểu cho rằng, thành công bước đầu của dự án cho thấy biogas là giải pháp ưu việt giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường nông thôn, giảm chất thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, tận dụng phế thải nông nghiệp. Với hiệu quả thiết thực và dễ áp dụng, mô hình biogas sẽ được khuyến khích nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh trong các năm tiếp theo.
Theo Thế Công/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn