Giống lúa OM 8901
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, cho biết giống lúa OM 8901 thuộc giống lúa thuần, có khả năng chịu khô hạn tốt, năng suất cao ổn định, chất lượng gạo tốt, chống chịu nhiều loại sâu bệnh, được chọn lọc và trồng khảo nghiệm tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các trung tâm giống cấp tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm tỉnh miền Đông và bảy tỉnh miền Trung từ năm 2009 đến nay.
Kết quả cho thấy giống lúa này phát triển mạnh trên nhiều vùng đất khác nhau, đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng tại các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận và thành phố Cần Thơ vì cho năng suất rất cao.
OM 8901 cũng là giống đặc sản, ngắn ngày (90-105 ngày), đẻ nhánh khá, hơi cứng cây, bông dài, số hạt chắc trên bông cao (80-90%), hạt đóng khít (bông chùm), hạt gạo dài (7,1cm), cơm dẻo, năng suất cao (6-8 tấn/ ha), tỷ lệ gạo nguyên sau xay chà đạt trên 80%, hạt gạo sáng đẹp, không bạc bụng.
Tuy nhiên, giống này dễ nhiễm rầy nâu và đạo ôn ở mức độ nhẹ. Vì vậy, khi sử dụng giống này, nông dân cần chú ý nhiều hơn đến kỹ thuật bón phân, yếu tố mùa vụ, đặc biệt, không nên để lúa bị ngập sâu vì sẽ làm tăng thêm thời gian sinh trưởng và tăng số lượng cây lúa bị đổ ngã trên đồng trong thời điểm sắp thu hoạch dẫn đến giảm năng suất và chất lượng hạt gạo.
Còn giống lúa OM 7262 được lai tạo bằng phương pháp lai cổ truyền, có ưu điểm chịu phèn, mặn, năng suất cao ổn định, chất lượng gạo tốt, kháng nhiều loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và cháy bìa lá. Giống này đã được chọn lọc, trồng khảo nghiệm tại các trung tâm giống cấp tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm tỉnh miền Đông và bảy tỉnh miền Trung từ năm 2010 đến nay.
Kết quả cho thấy lúa phát triển tốt trên nhiều vùng đất khác nhau tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, đặc biệt thích hợp với thổ nhưỡng thuộc tỉnh Hậu Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ.
OM 7262 là giống đặc sản, ngắn ngày (90-100 ngày), đẻ nhánh khá, cứng cây, bông dài, số hạt chắc trên bông cao (90%), nặng hạt, hạt đóng khít, hạt gạo dài (7,1cm), năng suất cao (6-8 tấn/ ha), cơm dẻo, tỷ lệ gạo nguyên sau xay chà đạt tới 68%, đạt chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, giống lúa nói trên hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện áp lực thanh lọc nhân tạo.
Vì vậy, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo nông dân khi sử dụng giống này cần chú ý nhiều hơn yếu tố rầy nâu, trong đó chú ý không để lúa bị khô hạn khi mật số rầy gia tăng ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến ngậm sữa. Cách làm này sẽ giúp hạn chế được tác hại của rầy nâu trên lúa.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay Viện đã tuyển chọn, lai tạo được 32 giống lúa chịu phèn, mặn, hạn, đạt chuẩn xuất khẩu. Các giống lúa nói trên đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau, cho năng suất từ 5-8 tấn/ha mỗi vụ, góp phần nâng sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối năm 2014 đạt hơn 25 triệu tấn, gấp đôi năm 1995.
Nguồn: Ấp Bắc online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn