Thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có 50 ha đất SX, trong đó hơn 30 ha trồng hành, còn lại là trồng dưa hấu và hoa màu khác
Nhờ siêng năng, chịu khó và tranh thủ được thời tiết nên người dân đã trồng luân phiên hai lứa rau màu trong một vụ đông. Được sự giúp đỡ của Trạm BVTV huyện Việt Yên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Bắc Giang, người dân nơi đây đã đưa cây hành vào trồng đại trà. Quy trình trồng hành khá khắt khe, ưa đất tơi xốp, độ ẩm phù hợp và chỉ thích hợp với trồng theo luống. Qua khảo sát quy trình trồng cây hành của một số hộ điển hình được biết, sau khi làm đất, lên luống, bà con đem củ hành giống ra cắm xuống đất ẩm, sau 10 - 15 ngày cây sinh trưởng và đẻ nhánh. Thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng 50 ngày. Trong đó, các giai đoạn quan trọng với cây hành là bón lót và bón thúc theo đúng kỹ thuật. Ở giai đoạn đầu (bón lót), bón 10 kg đạm/1 sào 360 m2, trong đó chia ra làm ba lần bón khác nhau. Tiếp theo tới giai đoạn bón thúc (sau khi cây hành lên từ 10 - 15 ngày). Đợt cuối cùng tưới cách đợt hai từ 7 - 10 ngày. Áp dụng các biện pháp phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh, chủ yếu là sử dụng thuốc chống sương, chống thối, vi khuẩn… Bình quân năng suất hành ước đạt 7 - 8 tạ/sào, giá bán 6.000 - 7.000 đ/kg. Anh Tô Thành Trung (44 tuổi) nói: “Với 6 sào đất, gia đình tôi đã trồng hành hơn 10 năm nay. Thời gian thu hoạch ngắn, năng suất khá cao, ước đạt gần 1 tấn/sào”. Các Cty SX mì tôm trong và ngoài tỉnh, cùng nhiều tiểu thương thường tới tận nơi để thu mua hành của bà con. Ngoài diện tích trồng hành, nông dân còn chú trọng trồng các loại cây màu cho hiệu quả cao như dưa hấu, khoai tây… Với những cố gắng trong nhiều năm qua, cánh đồng thôn Tĩnh Lộc trở thành mô hình điểm trong toàn xã. Đặc biệt thôn vinh dự được hội nghị Năng suất xanh toàn quốc lần thứ nhất khen tặng danh hiệu “Làng năng suất xanh” trên quy mô toàn quốc. Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng thôn Tĩnh Lộc thì xu thế mở rộng và đầu tư mạnh cho SX của thôn sẽ được tiếp tục quan tâm. Mặc dù đầu ra cho nông sản đã có nhưng thực tế vẫn chưa được ổn định. Đây chính là thách thức lớn cho người trồng hành. Song so sánh với các loại cây trồng khác thì hành vẫn là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cho người dân nơi đây