Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất truyền thống làm nghề nông nhưng ngay từ nhỏ ông đã mơ ước trở thành một kỹ sư chế tạo máy móc. Năm 1975, từ chiến trường trở về địa phương, với sức trẻ và sự nhiệt huyết ông Luật hăm hở bước vào cuộc chiến đấu mới trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.
Dù mang trong mình chất độc màu da cam do chiến tranh để lại nhưng ông quan niệm mình là người may mắn, cơ thể còn lành lặn, được trở về trong tình yêu thương của gia đình người thân là hạnh phúc, vì thế, ông luôn nhủ phải cố làm nhiều việc thật có ích cho gia đình, xã hội xứng đáng là lính cụ Hồ.
Nói về ý tưởng làm chiếc máy cày tự chế của mình, ông Luật cho biết mỗi khi mùa vụ đến cày ruộng lại phải đưa trâu cày mất cả buổi mới xong 2 sào ruộng, nếu tính cả tiền công cũng phải mất 220 nghìn đồng. Trong xóm có nhà 8 sào ruộng mùa vụ tính ra cũng phải hết gần 2 triệu đồng mà hiệu quả lại không cao.
Sau khi xem thông tin trên mạng, nghĩ ngay đến việc cải tiến máy cày, ông chia sẻ: “Các kỹ sư, giáo sư, nhà sáng chế đã thiết kế, làm ra các loại máy hoàn hảo rồi, nhưng tôi nghĩ mình có thể cải tiến thêm một chút để phù hợp với nông dân. Quan trọng là phải đáp ứng các điều kiện: Giảm sức lao động, tiết kiệm nguyên liệu, năng suất cao”.
Để chế tạo ra chiếc máy như ý muốn ông mất gần nửa năm tìm các tài liệu liên quan đến máy móc. Sau quá trình miệt mài nghiên cứu về các thông số kỹ thuật động cơ, nguyên lý vận hành của máy, ông dành số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để đi mua đồ phế liệu máy hàn, máy cắt, khoan sắt… một số vật tư cần thiết làm khung máy cày và mua thêm chiếc xe máy Wave cũ. Mới đầu ông Luật định mua bộ đồ nổ xe Min nhưng thấy xe Min đồ ít và trên thị trường rất hiếm, nếu có hỏng hóc sẽ khó kiếm được thiết bị để sửa nên ông quyết định chọn xe Wave.
Liên tục trong 4 tháng tháo ra, lắp vào, cắt hàn gò rũa... Khi nghe tiếng máy nổ ông mừng lắm liền mang chiếc máy ra ruộng cày thử. Nhưng khi đưa chiếc lưỡi cày xuống đất thì… động cơ rú lên, "chạy lồng lộn như con trâu điên" rồi ngã vật trên mặt ruộng. Ông thất bại trong lần chạy thử đầu tiên.
Không nản lòng, ông Luật lại tiếp tục nghiên cứu. Bắt đầu từ cải tiến động cơ, thiết bị máy và lắp đặt các bộ phận động cơ máy vào thân máy cày đã hỏng, lắp thêm phần trục... Ông tâm sự: Khó nhất phải kể đến đó là việc chế hộp số, bộ côn rời, gia công lại các bánh răng để làm chậm lại vòng tua, tạo lực cho máy. Vừa vận hành, ông vừa nghiên cứu cải tiến máy sao cho dễ sử dụng. Sau cùng, ông cũng chế tạo, lắp ráp được chiếc máy cày như ý. Máy chạy phăm phăm, thẳng đường cày, bà con đến xem ai cũng thích, đặt ông làm máy cho gia đình.
Ông luật hạch toán chi phí để làm ra một chiếc máy cày này chỉ hết có 5 triệu đồng. Máy có công suất bằng… 8 sức người. Máy chạy êm, có sức kéo tốt, thân máy gọn, nhẹ, thuận lợi cho việc làm đất trồng màu. Đặc biệt nhiên liệu sử dụng chỉ tốn 1 lít xăng/1,5 sào ruộng, ông Luật dự định sẽ cải tiến thêm một số chi tiết máy để có thể cày được cả những nơi ruộng thụt sâu và tiết kiệm nguồn nhiên liệu hơn nữa.
Box cuối bài: Bà Đoàn Thị Khánh (hàng xóm ông Luật) bày tỏ: "Ông Luật là một nông dân năng động, sống gương mẫu, tích cực giúp đỡ bà con chòm xóm và là người sáng dạ, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Không chỉ thế, ông Luật còn là một Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin xã Cổ Lũng được cán bộ, nhân dân trong vùng quý mến".
http://danviet.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn