Điểm mới của chiếc máy cuốn rơm là không hoạt động bằng cơ chế remote kéo sau máy cày đang có mặt trên thị trường, mà máy hoạt động theo cơ chế tự hành, tự đổ. Máy có kích thước nhỏ gọn, dài 4,5 mét, rộng 2,25 mét, cao 2,45 mét, được vận hành trên bánh xích cao su. Trong đó bộ phận lấy rơm nằm ở phía trước được nâng hạ bằng hệ thống thủy lực, dễ dàng thao tác và di chuyển qua các bờ kênh nhỏ phù hợp với nền đất yếu, ẩm ướt, sình lầy.
Khi hoạt động, rơm sẽ được bộ phận thu gom rơm phía trước, lấy rơm đưa lên băng tải đưa vào bộ phận se rơm để tạo thành cuộn. Khi cuộn rơm đủ độ chặt theo quy định, bộ phận buộc dây tự động buộc và cắt dây, sau đó kéo cần thủy lực, xy lanh nhả cuộn rơm lên thùng chứa, được người ở trên thùng chứa sắp xếp cho đầy thùng. Người vận hành máy sẽ di chuyển máy đến nơi cần tập trung rơm, kéo cần thủy lực, xy lanh đổ rơm xuống mà không cần thêm nhân công và phương tiện đi thu gom rơm. Năng suất đạt từ 80 - 120 cuộn /giờ.
Máy lấy rơm từ phía trước, rơm không bị bánh xe cán, đồng thời sau khi cuốn, rơm được nhả vào thùng chứa phía sau nên rơm sạch hơn các dòng máy khác. Máy chỉ cần 2 công lao động khi vận hành. Mỗi cuộn rơm sau khi cuốn có chiều dài 70 cm, đường kính 50 cm, nặng từ 13 - 16 kg với ẩm độ 14%, rất dễ cho việc vận chuyển và cất giữ.
Với những thiết kế mới, máy cuốn rơm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích số 1494 theo Quyết định số: 1049/QĐ-SHTT, ngày 21/2/2017.
Hiện tại, máy cuốn rơm mã hiệu PT-CR57 của Công ty Phan Tấn sản xuất đã có mặt khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và đang lan rộng các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn