Càng sản xuất càng lỗ
Sau một thời gian rầm rộ phát triển, nhiều máy GĐLH “made in Việt Nam” đã được nông dân biết đến như Tư Sang, Út Máy Cày, Vĩnh Hưng… Sản phẩm làm ra nhiều lúc không đủ đáp ứng đơn đặt hàng của nông dân. Thậm chí không ít máy đã đạt được giải cao trong các hội thi máy GĐLH do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhiều xưởng cơ khí chuyên sản máy GĐLH ngày nào giờ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là ngưng hẳn để chuyển sang làm các loại cơ khí đơn giản như dàn khoan hút lúa, băng tải…
Ông Quách Ba, Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Hưng (Kiên Giang), người đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của nghiên cứu sản xuất máy GĐLH tâm sự: “Chúng ta lạc hậu về công nghệ và phương thức sản xuất nhỏ lẻ nên máy làm ra không thể thuyết phục nông dân cả về chất lượng lẫn giá cả. Các bộ phận quan trọng như động cơ, hộp số, bơm thủy lực đều phải lệ thuộc nước ngoài. Sản suất theo kiểu gia công, lắp ráp bằng tay nên giá thành rất cao. Bán giá cao thì nông dân không mua, còn bán thấp thì lỗ. Vì vậy, càng làm càng lỗ. Dù tâm đắc đến mấy cũng phải nghỉ làm, nhường sân chơi cho các tập đoàn lớn”.
Theo ông Quách Ba, để ngành máy nông nghiệp nói chung và máy GĐLH nói riêng của Việt Nam phát triển được thì cần phải có đầu tư lớn để sản xuất được tất cả các bộ phận, kể cả động cơ, hộp số nhưng phải có chất lượng. Tốt nhất là liên doanh với các tập đoàn tư bản để sản xuất trong nước. Đồng thời phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, để sản xuất ra các bộ phận đồng bộ, hạn chế làm kiểu gò, hàn thủ công để giảm chi phí. “Nếu chủ động được các vấn đề trên chúng ta hoàn có thể sản xuất được các loại máy móc có chất lượng tương đương, phù hợp với điều kiện đồng ruộng ở ĐBSCL nhưng giá thành rẻ hơn, được nông dân chấp nhận”, ông Quách Ba khẳng định.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, thống kê đến vụ ĐX 2012-2013, toàn tỉnh có 1.138 máy GĐLH, trong đó máy do Trung Quốc sản xuất chiếm 75%, máy Nhật (chủ yếu là máy Kubota) chiếm 23%, còn lại máy Việt Nam chỉ chiếm 2%. Các loại máy do Trung Quốc và Việt Nam sản xuất chỉ sử dụng được 6 vụ (3 năm) là máy hư hỏng rất nhiều, không còn khả năng đi làm dịch vụ. Máy do Nhật sản xuất sử dụng bền hơn rất nhiều, lên đến 10 vụ. Vì vậy, máy Nhật dù có giá thành cao hơn từ 100-150 triệu đồng/máy vẫn được nhiều nông dân đầu tư mua sắm để làm dịch vụ mang lại hiệu quả cao hơn.
Nông dân chuộng máy Nhật
Hiện nay nông dân ĐBSCL đang có xu hướng chỉ chọn máy Nhật để thuê mướn làm dịch vụ. Ông Ngô Xuân Tân ở ấp Kênh 4B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết: “Hiện tại ở trong ấp có rất nhiều nông dân sắm máy GĐLH vừa làm ruộng nhà vừa làm dịch vụ nên cạnh tranh rất cao. Những người trước đây lỡ mua máy Trung Quốc hoặc máy do các xưởng cơ khí trong nước sản xuất giờ chỉ có thể làm ruộng nhà mà thôi. Nông dân chỉ chọn máy Nhật để mướn. Máy nhiều nên giá công cắt cũng khá rẻ, tui vừa mướn thu hoạch 3 ha lúa hè thu với giá 4 triệu đồng, kể cả kéo lúa hột về tận nhà. Nếu lúa bị đổ thì cũng chỉ tốn thêm 500 ngàn đồng nữa mà thôi”. Ông Tân trước đây cũng là người từng mua máy GĐLH của Trung Quốc về làm dịch vụ nhưng chỉ hiệu quả ở 1-2 vụ đầu, về sau máy hư hỏng nhiều nên ngày càng ít người mướn nên đành phải bán rẻ cho người khác.
Ngay cả đối với thương lái đi mua lúa tươi về sấy cũng chọn nông dân cắt máy Nhật để thu mua, thậm chí chấp nhận trả cao hơn từ 50-100 đồng/kg. Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khương, một thương lái chuyên thu mua lúa ở Tân Hiệp cho biết: “Máy Nhật có tính ổn định cao, ít khi bị hư hỏng vặt nên khi đã đặt cọc với nông dân là cầm chắc mua được lúa. Còn những loại máy khác, nhất là khi máy đã cũ rất hay bị nằm đồng do hư hỏng, phải đợi qua ngày sau mới đầy ghe lúa, vừa mất thời gian vừa lỡ lịch hẹn sấy, chất lượng gạo bị giảm, dễ bị thua lỗ”.
TS. Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, trong tổng số các loại máy GĐLH của tỉnh hiện nay thì có đến 25% số máy đã mua và sử dụng trên 5 năm, 30% đã mua từ 3-4 năm, số còn lại mới mua từ 2 năm trở lại đây. Do đó, nhiều máy đã bị hư hỏng, hoạt động không còn hiệu quả. Vì vậy, khả năng thu hoạch bằng máy chỉ đáp ứng được tối đa 35% diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Trong khi đó, thu hoạch bằng máy giá thành thấp hơn so với thu hoạch bằng tay khoảng 1,5 triệu đồng/ha, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch từ 5-6% xuống còn 2%, từ đó lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể. Mục tiêu của tỉnh là từ nay đến năm 2015 sẽ nâng diện tích thu hoạch bằng máy lên 70%, sản lượng lúa sấy khô bằng máy trong vụ hè thu đạt 70% (hiện nay là 50%). Vì vậy nhu cầu mua sắm máy GĐLH, đầu tư lò sấy là rất lớn.
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn