Khắc phục bất cập về chế độ đãi ngộ với cán bộ KHCN
Phải thẳng thắn thừa nhận, việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ ở nước ta còn rất nhiều bất cập và luôn tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa nhà khoa học với Nhà nước.
Mỗi năm, Nhà nước đầu tư 2% tổng chi ngân sách cho phát triển KHCN, trong đó gần 90% dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ còn một khoản kinh phí không lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hơn nữa kinh phí nghiên cứu phân bổ cho các địa phương và các bộ ngành theo kiểu bình quân, dàn trải đã dẫn tới tình trạng không đủ nguồn lực đầu tư lớn cho những công trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhu cầu thực tiễn, có triển vọng thương mại hóa (chưa kể cơ chế tài chính chưa phù hợp, đã có những năm số tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học không thể giải ngân hết).
Hệ thống thang, bảng lương của các nhà khoa học chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài. Trong khi, các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu mà không tìm được người kế cận xứng đáng. Như vậy, chỉ một 5 - 7 năm nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ, đồng thời xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra doanh nghiệp, ra nước ngoài...
Câu chuyện ở đây không còn là bài toán thu nhập của mỗi cá nhân mà trở thành vấn đề quốc gia.
Vấn đề tiếp theo là nếu không kịp thời có chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài mang tính đột phá thì không thể có những nhà khoa học đầu ngành, những tập thể khoa học mạnh và nước ta không thể đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC chiếm 40% giá trị sản xuất công nghiệp cũng như việc đưa Việt Nam thành nước có nền KHCN đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu ASEAN.
Cơ hội phát triển mới cho KHCN
Nhận thức rõ tầm quan trọng của KHCN và xuất phát từ tình hình thực tế, cùng với việc tiếp tục khẳng định KHCN là quốc sách hàng đầu, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI đã nhận định “Nhân lực KHCN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KHCN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã đề ra mục tiêu: "Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển đạt mức 11 người trên 1 vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài".
Để đạt được mục tiêu như vậy, giải pháp đầu tiên cần “xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KHCN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”.
Điều mà các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn cả tiền lương, đãi ngộ vật chất chính là điều kiện, môi trường làm việc, tức là họ phải được tin tưởng giao nhiệm vụ, được quyền tự do nghiên cứu và được tạo điều kiện làm việc tốt nhất (như trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, phòng thí nghiệm, thư viện, chủ động trong hợp tác quốc tế, có những đồng nghiệp giỏi cùng chí hướng, được quyền mời chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu...).
Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 6 cũng đặt trọng tâm ưu đãi vào 3 nhóm đối tượng chính đó là "cán bộ KHCN đầu ngành, cán bộ KHCN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và cán bộ KHCN trẻ tài năng". Sở dĩ phải tập trung trọng dụng 3 nhóm đối tượng này vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc đãi ngộ bằng trả lương cao cho tất cả những người làm khoa học là không thể. Tiêu chí xác định thế nào là nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ là một vấn đề mà những người làm quản lý KHCN phải làm rõ.
Ngoài ra cũng phải “đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KHCN. có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KHCN trình độ cao đã hết tuổi lao động”. Đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình KHCN, “hoàn thiện hệ thống chức danh, chức vụ KHCN. Cải tiến hệ thống giải thưởng KHCN quốc gia, danh hiệu vinh dự nhà nước cho cán bộ KHCN ”.
Bên cạnh việc đề xuất có danh hiệu vinh dự Nhà nước cho cán bộ khoa học có những thành tích xuất sắc, cũng cần có hình thức tôn vinh thông qua các giải thưởng về KHCN cho giới khoa học. Đó phải là hệ thống giải thưởng đa dạng và thiết thực chứ không chỉ là giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KHCN đang được thực hiện 5 năm một lần như hiện nay, mà cần có hệ thống các giải thưởng khác từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước về KHCN như việc tổ chức “Ngày Trí thức Việt Nam” hoặc “Ngày Khoa học Việt Nam”, lập danh hiệu vinh dự nhà nước cho nhà khoa học như Nhà khoa học Ưu tú, Nhà khoa học Nhân dân.
Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 6, Chính phủ sẽ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thông qua luật định, các văn bản của Chính phủ. Những vấn đề của luật sẽ dựa trên những định hướng của Nghị quyết Trung ương 6… Tuy nhiên cần có sự phối hợp tốt của các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sao cho sớm hình thành được chính sách thực sự trọng dụng và ưu đãi cán bộ KHCN.
Và hơn ai hết, giới khoa học phải tận dụng được vai trò “quốc sách hàng đầu” của KHCN, làm việc và sáng tạo cho xứng đáng với sự đãi ngộ của Nhà nước, sự quan tâm của Đảng, để tự khẳng định mình và tạo ra được những sản phẩm khoa học ngang tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với mong đợi của đất nước và nhân dân.
Từ Lương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn