Anh Lâm cùng với chiếc xe xúc lật “hai trong một” của mình. |
Người có nhiều sáng chế
Học xong lớp 12, đi bộ đội, rồi về làm bảo vệ cho một công ty chế biến thủy sản ở Huế nhưng lương thấp, anh Đặng Thanh Lâm chấp nhận về quê làm nông, lấy vợ.
Với bản tính thích tìm tòi, nên trong bất cứ công việc gì anh cũng luôn nghĩ cách giải phóng sức lao động cho chính mình. Và suy nghĩ ấy đã đưa anh đến với những sáng tạo khác người.
Năm 2008, lần đầu tiên anh chế tạo thành công chiếc cối giã gạo bằng điện. Không có nghề gò hàn, anh chỉ vẽ mô hình trên giấy rồi thuê người gia công. Dân trong làng thấy tiện và hiệu quả đặt mua khá nhiều. Khi bán đến cái thứ 3, thấy lời lãi không được bao nhiêu nên anh bỏ.
Năm 2009, anh nhảy vào nghề thầu xây dựng những công trình nho nhỏ trong xóm. Thấy công đoạn uốn sắt vất vả và mất nhiều thời gian, thế là anh mày mò chế tạo chiếc máy uốn đai sắt.
Hơn một chục triệu đồng bỏ ra, anh hoàn thành chiếc máy uốn đai sắt, nhưng ngặt nỗi công trình của anh toàn dạng lặt vặt nên không phát huy hết công suất. Tiếc công, tiếc của, anh bán lại cho một nhà thầu khác với giá 6 triệu đồng.
Năm 2010, anh trúng thầu một công trình kênh mương. Trước sức ép về tiến độ thi công, anh đã cho ra đời chiếc máy cẩu quay 360 độ (sử dụng động cơ D6 và dây cáp tời) dùng cho đào đắp đất.
Chưa đầy một năm hoạt động, chiếc máy này đã mang về cho anh khoản lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Đặng Thanh Lâm luôn tự hào về đội thầu của mình. Chỉ với 6 người, đến nay đội của anh có thể nhận công trình tiền tỷ và luôn vượt tiến độ thi công nhờ những sáng chế của anh.
Sáng chế độc nhất vô nhị
Đầu năm 2011, anh Lâm bắt đầu có ý tưởng chế tạo chiếc xe xúc lật gắn ben 180 độ, “hai trong một”. Khác với những chiếc xe xúc lật trên thị trường, chỉ có chức năng bốc xúc, xe của anh bốc xúc được và vận chuyển được.
Để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, anh bỏ ra 16 triệu đồng mua lại chiếc xe UAZ cũ, tháo rời từng bộ phận. Tháo ra thì dễ, nhưng trước ngồn ngộn cả ngàn chi tiết, anh không thể ráp lại như cũ, đành bán cho mấy chủ sắt vụn.
Không nản chí, anh tiếp tục mua chiếc UAZ thứ hai, và phát hiện chỉ cần sử dụng bộ hộp số, cầu, 4 chiếc bánh, còn những chi tiết khác của chiếc xe xúc lật cần phải tiếp tục chế tạo thêm.
Anh Lâm nhớ lại: “Nói thiệt, để hoàn thành được nó, tui mất ăn, mất ngủ cả năm trời. Bản vẽ ban đầu không thể áp dụng trên thực tế, nên khi bắt tay vào làm đến chi tiết nào thì vẽ chi tiết đó. Mỗi chi tiết sửa đi, sửa lại cả chục lần, đơn giản như chiếc gàu xúc cũng mất bốn năm lần sửa chữa. Vất vả nhất là hệ thống động cơ vận hành và hệ thống chịu lực. Mua về còn phải gò lại nữa. Chỉ riêng 2 ống chịu lực và trụ đỡ đã mất gần 3 tháng lùng sục khắp các nơi như Huế, Đà Nẵng... Đến khi vô đến Cà Mau mới tìm thấy”.
Rồi chiếc xe xúc lật “hai trong một” của anh cũng thành hình hài. Nhưng khi đưa ra thử nghiệm nó cứ đứng ỳ một chỗ không xúc, không lật, ben cũng không nâng lên được. Anh lại phải tháo từng bộ phận nghiên cứu, điều chỉnh. Và rồi chiếc xe cũng hoạt động nhịp nhàng trước sự thán phục của dân làng.
Chiếc xe xúc lật 180 độ của anh Lâm có công suất bốc xúc và vận chuyển đến hơn 1 tấn. Ưu thế vượt trội của chiếc xe anh Lâm so với các loại xe xúc lật khác trên thị trường hiện nay là không chỉ bốc xúc nhanh mà còn vận chuyển được.
Một lao động có thể làm cùng lúc hai việc tiết kiệm nhân lực và nhiên liệu. Giới thầu xây dựng trong vùng biết tiếng, đặt hàng cho anh rất nhiều nhưng anh chưa nhận lời ai.
Anh đang hoàn thiện hồ sơ để mang đi dự thi sản phẩm sáng tạo tài năng trẻ của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình. Nếu thành công, anh sẽ đăng ký bản quyền sáng chế và hi vọng có được đối tác nhận sản xuất đại trà.
Sưu tầm: Hà Giang
Nguồn:tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn