Ngày 6/6, tại xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi (Hưng Yên), Viện Cây lương thực & cây thực phẩm đã phối hợp với Sở KH-CN Hưng Yên tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn giống lúa thuần N25.
Giống lúa N25 do TS Hà Văn Nhân và các cộng sự (Viện CLT&CTP) chọn tạo, đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho phép sản xuất thử. Đây là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được nhiều vụ trong năm.
Thời gian sinh trưởng vụ xuân 120 - 125 ngày, vụ mùa 90 - 95 ngày. Thích hợp gieo cấy trên các chân ruộng vàn, vàn cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Năng suất trung bình đạt 60 - 65 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt trên 70 tạ/ha. Hạt gạo trong, cơm mềm, vị đậm, mùi thơm nhẹ.
Giống lúa N25 đã được trình diễn qua nhiều vụ sản xuất tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có các vùng khí hậu điển hình như vùng nóng Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng lạnh Điện Biên, Sơn La, vùng phèn mặn Ninh Bình, Hải Phòng… Năng suất lúa đều vượt 60 tạ/ha.
Ghi nhận tại đầu bờ, mô hình trình diễn 10ha lúa N25 gieo cấy vụ xuân 2016 tại Hưng Yên (đối chứng là giống Khang dân 18) chúng tôi thấy, lúa N25 có kiểu hình cây gọn, góc lá đứng, trỗ thoát cổ bông, ít sâu bệnh, bông dài, hạt nhỏ, vỏ thóc màu vàng sáng, hạt gạo trong, năng suất gặt thống kê đạt 83,5 tạ/ha.
Hộ nông dân Phạm Xuân Dim chia sẻ, gia đình ông gieo cấy 2 sào lúa N25, dự kiến năng suất đạt 2,6 - 2,7 tạ/ sào (tương đương 72 -75 tạ/ha).
Có được năng suất cao hơn kỳ vọng là do gia đình ông Dim áp dụng quy trình thâm canh lúa gieo sạ. Bón phân “nặng đầu, nhẹ cuối”: Bón lót trước cấy/1 sào 15 kg supe lân, 18 kg phân hữu cơ vi sinh, 5 kg đạm urê, 4 kg kali clorua. Sau gieo 30 ngày bón đón đòng 2 kg đạm urê, 2 kg kali clorua.
Tưới nước “ướt khô xen kẽ”: Sau gieo sạ đến hạt giống ngồi mũi chông giữ nước láng mặt ruộng. Sau đó tăng dần lượng nước ngập 2 - 3cm đến 25 ngày sau gieo sạ. Từ lúa đẻ nhánh rộ đến đẻ nhánh tối đa, phơi ruộng nẻ chân chim. Từ lúa trỗ đến lúa đông sữa tưới ngập 3 - 5cm. Để mặt ruộng đủ ẩm từ lúa đông sữa đến thu hoạch.
Nông dân ông Phạm Duy Binh so sánh, giống lúa N25 cùng gieo cấy với giống Khang dân 18, năng suất đạt tương đương. Nhưng N25 có chất lượng gạo ngon hơn vượt trội, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 6 ngày, thời gian trỗ và chín ngắn hơn 3 - 5 ngày. Đây là những đặc tính rất quý. Bởi trong thâm canh lúa, nếu có nhiều giống lúa cùng trỗ, giống lúa nào có thời trỗ ngắn hơn sẽ an toàn hơn, dễ cho năng suất cao, giống lúa nào thời gian trỗ kéo dài, dễ gặp rủi ro như mưa lớn, gió đông bắc muộn hoặc gió tây nam sớm, coi như thất thu.
Ông Vũ Văn Thắng, PGĐ Sở KH-CN Hưng Yên đánh giá, mô hình trình diễn giống lúa N25 tại địa phương đã đạt được sự thành công ngoài mong đợi của bà con nông dân. Tạo thêm cơ hội cho nhà nông lựa chọn giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai hạn, úng và giá rét. Thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt. Cơ cấu gieo cấy lúa N25 sẽ cho phép mở rộng diện tích gieo trồng các cây vụ đông ưa ấm (bí ngô, bí xanh, dưa chuột, khoai lang, ngô nếp, ngô rau…). Theo đó giúp nông dân tăng cường giá trị sử dụng đất, gia tăng giá trị thu nhập…
Kết thúc hội thảo, TS Hà Văn Nhân lưu ý, bà con nông dân khi gieo cấy giống lúa N25 cần thâm canh cao, để tăng cường khả năng chống đổ và khai thác được tiềm năng, năng suất của giống.
Đây là giống cực ngắn ngày, sau gieo mạ 32 ngày lúa đã phân hóa đòng, nên cần gieo vãi hoặc cấy mạ sân khi cây mạ có 3 lá thật. Vụ mùa sớm, nếu gieo mạ sân sau 7 - 10 ngày phải đưa ra cấy. Mật độ cấy 50 - 55 khóm/m2, cấy nông tay, 2 - 3 dảnh/khóm.
Bón phân cho 1 sào lúa: Bón lót 100% phân lân và phân chuồng hoặc phân vi sinh + 70% lượng đạm urê và kali clorua. Sau gieo cấy 27 - 30 ngày, bón hết số phân còn lại. Khi lúa trỗ hoàn toàn nếu xấu bón thêm 1kg đạm urê.
Cần thu hoạch ngay khi lúa đã chín hoàn toàn (25 ngày sau trỗ). Vì lúa trỗ sớm nên cần chủ động các biện pháp phòng trừ chuột hại. Không cần phá ngủ với hạt giống chuyển vụ.