Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ. Một trong những hợp phần quan trọng của dự án FIRST là hỗ trợ để hình thành nên các nhóm liên kết, từ nghiên cứu đến sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.
Theo tin từ Bộ KH&CN, Ban Quản lý Dự án FIRST và nhóm hợp tác do Công ty cổ phần Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet làm thành viên đứng đầu đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ đề xuất “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vaccine PED cho lợn nuôi trang trại” với tổng kinh phí thực hiện đề xuất khoảng 3,4 triệu USD. Trong đó Dự án FIRST tài trợ hơn 40% tổng kinh phí thực hiện, phần còn lại là kinh phí đối ứng bằng tiền của nhóm hợp tác. Thời gian thực hiện dự án là 34 tháng.
Nhóm hợp tác do Công ty Đức Hạnh Marphavet đứng đầu gồm 11 thành viên, trong đó có một đơn vị nghiên cứu là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 10 doanh nghiệp.
Sản phẩm của nhóm hợp tác là nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa chủng vaccine PED cho lợn nuôi trang trại từ chủng virus được phân lập tại Việt Nam nhằm thay thế vaccine nhập khẩu cùng loại, giảm thiểu tổn thất do PED gây ra cho người chăn nuôi nói riêng và cho ngân sách Nhà nước nói chung, đồng thời nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn. Đây cũng là một trong những dự án góp phần nâng cao năng lực cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất vaccine.
Virus gây bệnh PED được phát hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào thập niên 1970 và lan sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vào năm 1990.
Từ năm 2000 về sau, PED được phát hiện ở Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Lợn ở mọi độ tuổi đều nhạy cảm với virus này. Vì thế, có thể nói PED là một trong những mối lo ngại lớn của các nhà chăn nuôi trong nước cũng như nước ngoài.
Việc thực hiện tiểu dự án nói trên sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp có cơ hội liên kết hợp tác, đóng góp công sức trí tuệ và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để nghiên cứu, sản xuất thành công những loại vaccine đặc hiệu phòng chống các loại dịch bệnh, đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi.
Đây sẽ là cú hích quan trọng cho các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu khoa học sâu rộng hơn, phát triển vì sản phẩm an toàn.
Theo Thu Cúc/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn