Với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên/ha, Hà Nội đang nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả giá trị cao, tạo đột phá để các địa phương hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hướng tới những cây giá trị cao
Toàn thành phố hiện có gần 14.000ha diện tích trồng cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Mê Linh… với giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm. Khảo sát của ngành nông nghiệp mới đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ quả của thị trường Hà Nội khoảng 960.000 tấn/năm, nhưng sản xuất mới chỉ đáp ứng được trên 20%. Với lượng cầu lớn như vậy, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các mô hình cây ăn quả chất lượng cao phục vụ tiêu thụ tại chỗ và hướng tới xuất khẩu. Theo đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội giai đoạn 2011-2016, từ nay đến năm 2015, TP sẽ xây dựng vườn cây ăn quả đầu dòng với quy mô sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao/năm, trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản và nâng cao công tác bảo quản, đóng gói, xây dựng thương hiệu cây ăn quả Thủ đô. Mục tiêu đến năm 2015, sẽ có khoảng 16.400ha cây ăn quả các loại như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ... sản lượng đạt trên 280.000 tấn quả, gấp 1,7 lần hiện nay, giá trị sản xuất tăng 30%, trong đó cây ăn quả giá trị kinh tế cao đạt 250 triệu đồng/ha trở lên. Đề án đã được UBND TP phê duyệt hồi tháng 3 vừa qua, hiện đang được triển khai tại các địa phương. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, đề án này sẽ quy hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao tập trung ở khu vực đồi gò, đất bãi ven sông và những vùng trồng lúa khó khăn về nước tưới như bãi sông Hồng, sông Đáy, vùng đồi gò Chương Mỹ, Ba Vì…
Năm 2011, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, đơn vị được giao triển khai đề án đã xây dựng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao tại các huyện ngoại thành, hiệu quả kinh tế đạt từ 250 đến 450 triệu đồng/ha. Trong năm 2012, trung tâm sẽ triển khai thêm 29 mô hình tại 21 xã, với tổng diện tích 450ha. Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cho biết, từ đầu năm đến nay trung tâm đã triển khai thâm canh, nâng cao chất lượng một số vùng cây ăn quả như: 180ha bưởi tại Chương Mỹ, Phúc Thọ; 30ha nhãn chín muộn tại Hoài Đức; 30ha cam Canh tại Thanh Oai. Từ nay đến cuối năm trung tâm sẽ trồng mới 120ha chuối tiêu hồng tại các huyện Đông Anh, Thường Tín, Mê Linh; 20ha nhãn chín muộn tại Hoài Đức, Ba Vì; 10ha cam Canh tại xã Kim An, Cao Viên (huyện Thanh Oai); trồng mới 20ha bưởi tại xã Trần Phú, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Đặc biệt, trung tâm sẽ trồng thử nghiệm theo mô hình dàn tưới khoa học cho khoảng 5ha bưởi tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), ghép cải tạo khoảng 10ha nhãn già cỗi với giống nhãn chín muộn để cải tạo năng suất, chất lượng. Tham gia vào mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% về giống cây, 30% phân bón; được đào tạo, tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản quả, nâng cao chất lượng và mẫu mã.
Động lực xây dựng NTM
Trong quá trình triển khai NTM, tiêu chí nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn là tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu phát triển đồng đều mô hình cây ăn quả đặc sản cùng với các mô hình khác thì "bài toán" đó sẽ sớm được các địa phương hoàn thành, thu nhập của nông dân sẽ cao và ổn định. Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Đại Tảo (Hoài Đức) cho biết, gia đình có cây nhãn chín muộn trên 100 tuổi, hiện đang được bảo quản và thâm canh để phục vụ nhân rộng giống nhãn chín muộn. Trang trại của anh có diện tích 6.500m2, trồng 120 gốc nhãn 15 năm tuổi. Mỗi năm, anh Thành thu hoạch hàng chục tấn quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, nâng thu nhập từ 450 triệu đồng/ha trở lên.
Tuy nhiên, trong khi triển khai mô hình, bà con thường băn khoăn về khâu tiêu thụ, bởi hầu hết sản phẩm đều được bán tại chỗ hoặc tại các chợ đầu mối, chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp. Vấn đề tiêu thụ cũng trở thành nỗi lo, cản trở việc nhân rộng các mô hình.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, phát triển cây ăn quả đặc sản là hướng đi đúng của Thủ đô trong thời gian tới, tuy nhiên vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm phải được tính toán, xây dựng ngay từ khi mô hình bắt đầu triển khai, không thể phát triển tràn lan mà không có định hướng, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Phát triển các cây ăn quả đặc sản sẽ giúp thu nhập của người dân ổn định, đồng thời trở thành động lực để các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Đào Huyền
Nguồn: hanoimoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn