Ông Lâm bên chiếc máy ấp trứng tự chế tạo.
Việc sáng tạo ra chiếc máy ấp trứng với ông Lâm được nảy sinh từ ý định dùng khoa học thay thế chức năng ấp trứng của gà mẹ, nhằm chủ động thời gian nở của trứng và đảm bảo số lượng con giống. Từ đó, ông quyết tâm mày mò, nghiên cứu và học hỏi. Sau nhiều lần chế tạo thất bại, vào năm 2014, máy ấp trứng của ông Lâm được hoàn thiện. Hiện nay, nhà ông có 3 chiếc máy ấp trứng do ông tự chế và 1 máy khác được đặt mua của công ty sản xuất. Về cấu tạo, hình dáng của mỗi chiếc máy tự chế được đóng dạng thùng, kích thước ngang khoảng 1,3m, cao 1m và bề sâu khoảng 8 tấc, bên trong có gắn 2 đèn sợi tóc loại 40W. Để giữ được nhiệt độ, bên trong máy, ông Lâm đóng 1 lớp xốp dày khoảng 3cm, bên ngoài đóng ván. Ngoài ra, để chủ động điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với từng giai đoạn của quá trình ấp trứng, ở mỗi máy, ông đều gắn 1 bộ điều khiển nhiệt độ riêng. So về giá thành, máy ấp tự chế chỉ tốn 2-3 triệu đồng, còn hàng của công ty có giá bán 21 triệu đồng. Tuy vậy, về hiệu quả hoạt động thì máy tự chế lại có nhiều yếu tố tích cực hơn. Ngoài đạt về số lượng và chất lượng con giống thì máy ấp trứng tự chế cũng tiết kiệm điện năng hơn so với máy công ty sản xuất 50% và đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Ông Lâm cho biết: “Khi sử dụng máy ấp trứng của công ty sản xuất, sau thời gian ấp thì trứng nở không đồng loạt, tỷ lệ trứng không nở nhiều, do nhiệt độ của máy tỏa ra không đều. Còn với 3 chiếc máy ấp trứng do tôi tự chế thì chủ động điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với thời gian nở của trứng. Thường thì trong thời gian 5 ngày đầu, tôi sẽ bỏ trứng vào ấp ở máy 1, sau đó sẽ dời trứng qua ấp ở máy 2, đến ngày 18-21 tiếp tục chuyển trứng từ máy 2 sang máy thứ 3 để trứng nở gà con. Tuy có mất nhiều công sức nhưng tỷ lệ trứng nở rất cao”.
Gia đình ông Lâm hiện nuôi 230 con gà giống để lấy trứng. Với 3 máy ấp trứng tự chế, mỗi đợt ấp được khoảng 1.000 trứng. Với cách làm này, đã giúp gia đình thu được lượng trứng nhiều gấp 3-4 lần/gà mẹ/năm. Ngoài ra, tỷ lệ nở con cũng đạt cao hơn khoảng 97%. Ông Lâm cho biết: “Bình thường 1 năm, gà mẹ đẻ 3 lần, khi dùng máy để ấp trứng sẽ giúp gà mẹ không mất thời gian ấp trứng và nuôi con, vì thế số lần đẻ trứng sẽ nhiều hơn. Lúc trước khi chưa dùng máy, để gà mái tự đẻ rồi ấp trứng thì trung bình 1 năm, gia đình tôi chỉ thu được 30-40 trứng, nở 35-40 con. Còn dùng máy ấp trứng thì thu được từ 150-170 trứng/năm, đạt 140-145 con. Vì khi để cho gà mẹ tự ấp trứng thì tỷ lệ nở con cũng bị hao hụt nhiều khi thời tiết thay đổi, bị rủi ro do gà mẹ làm bể trứng hoặc các tác động xấu từ bên ngoài. Nhưng khi ấp trứng bằng máy thì hạn chế được những tác động đó. Do được ấp trong điều kiện nhiệt độ thích hợp của máy ấp trứng, con giống sẽ nở đồng loạt, người nuôi cũng dễ dàng tiêm vắc-xin để phòng bệnh đồng loạt, đảm bảo có đàn gà giống khỏe mạnh”.
Từ ngày chế tạo thành công máy ấp trứng, việc sản xuất và kinh doanh gà giống của gia đình ông Lâm ngày càng thuận lợi. Trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán 2.500-3.000 con giống, cung cấp cho địa phương và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Hiện tại, thu nhập bình quân mỗi tháng từ việc bán gà giống của gia đình ông Lâm dao động từ 30-35 triệu đồng. “Với sự say mê tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra những cách làm mới, ông Lâm được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương. Ngoài tự chế máy ấp trứng phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh gà giống của gia đình, ông còn tự lai tạo giống giữa gà mái Bình Định và gà nòi địa phương để có nguồn giống gà mới, chất lượng. Đối với những hộ muốn chăn nuôi gà thì ông Lâm cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”, chị Lý Thị Trúc Linh, cán bộ khuyến nông xã Long Phú, nói.
Theo tâm sự của ông Lâm, hiện nay ông đang ấp ủ dự định mới để tiếp tục cải tiến máy ấp trứng tự chế theo hướng tự động, giảm nhẹ sức lao động trong quá trình ấp trứng. Với sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, tin rằng hoài bão của ông sẽ sớm thành hiện thực.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn