Nông dân Philippines trồng dừa qua thiết bị di động
Philippines hiện có tỷ lệ sử dụng di động 50% và nông nghiệp là lĩnh vực đứng thứ hai về nguồn nhân lực với 27% dân số toàn quốc, nhưng mức nghèo đói của nông dân lên đến 38% trong 10 năm qua.
Đặc biệt ở những hộ trồng dừa nhỏ lẻ con số này còn cao hơn nhiều với tỷ lệ 60%, bất chấp việc các sản phẩm từ dừa chiếm đến 40% những mặt hàng xuất khẩu của quốc gia này và nhu cầu toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Để khắc phục tình trạng đói nghèo của người dân trồng dừa, cần phải giải quyết nhiều thách thức. Đầu tiên là năng suất thấp do họ chủ yếu trồng theo kinh nghiệm truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tiếp đến nông dân rất khó tiếp cận với dịch vụ tài chính hay bán hàng ra các thị trường lớn, nhất là những hộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thêm nữa là những tác động từ môi trường và dịch bệnh. Nổi bật là trận siêu bão Haiyan năm 2013 đã xóa sổ hơn 33 triệu cây dừa tại Philippines, khiến cuộc sống hơn một triệu gia đình khốn đốn. 3 năm sau đó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino, tình trạng hạn hán kéo dài gây giảm năng suất cây trồng đáng kể. Qua đến 2014, dịch côn trùng Cocolisap tấn công gây nhiễm khuẩn hơn triệu cây dừa ở miền trung đảo Luzon.
Vào tháng 10/2016, tỉnh Basilan - vùng trồng dừa chính tại Philippines, bị tấn công bởi dịch hại. Có đến một nửa trong số 6 triệu cây dừa trồng ở tỉnh này bị côn trùng Cocolisap xâm hại. Đứng trước tình hình này, tổ chức Grameen Foundation đã quyết định thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm FarmerLink ở vùng Davao để hỗ trợ nông dân trước thiên tai, dịch bệnh.
Đây là hệ thống kết hợp dữ liệu vệ tinh cùng dữ liệu trang trại cung cấp bới những thiết bị di động tại chỗ cho nông dân nhằm dự đoán và phát hiện các mối đe dọa từ những loài gây hại hay dịch bệnh. Khi xác định xong mối nguy, FarmerLink lập tức gửi tin nhắn cảnh báo đến điện thoại di động của nông dân. Chương trình còn giúp cơ quan chức năng của chính phủ chủ động tập trung ứng phó vùng có dịch hại, gửi các đội phản ứng đến kiểm soát trước khi tình hình trở nên trầm trọng. Đồng thời FarmerLink cung cấp thông tin về thời tiết ngay trong thời gian thực.
Một mục đích khác quan trọng không kém của chương trình hướng người nông dân đến thông tin về kỹ thuật nông nghiệp, gồm cả tương tác trực tiếp qua việc người dân hỏi đáp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với nhau. Kèm theo là những tư vấn về tài chính, chương trình hỗ trợ, đào tạo...
Các đối tác tham gia vào FarmerLink đảm bảo cho nông dân nhận được hỗ trợ đầy đủ, đa dạng. Có thể kể đến Cục quản lý trồng trọt dừa, Franklin Baker - nhà xuất khẩu dừa lớn nhất Philippines, Nutiva - công ty Mỹ chuyên sản xuất các thực phẩm hữu cơ, ngân hàng Caraga, nhiều công ty dữ liệu, công nghệ và cả vệ tinh. Đây là chương trình đầu tiên ở quốc gia đa đảo quy tụ đầy đủ các yếu tố nguồn lực và chuyên môn tạo nên chuỗi giá trị dừa, tạo nên lợi ích cho nông dân sản xuất nhỏ lẻ.
Sau một năm thí điểm, gần 7.500 nông dân trồng dừa đã nhận tin nhắn đưa ra các lời khuyên về canh tác cũng như cách thức quản lý nguồn vốn hiệu quả. Các chuyên gia cũng đã xây dựng được mạng lưới trên 1.600 người tham gia cùng chia sẻ và giải đáp thông tin cho những thành viên khác và cộng đồng.
Chương trình nhận nhiều phản hồi tích cực như nông dân đã biết thay đổi cách thức canh tác sau khi nhận tin nhắn điện thoại. Ví dụ như một nông dân khi đọc tin nhắn cảnh báo tình trạng El Nino có thể khiến sản lượng dừa tại vườn giảm đến 2/3 đã quyết định trồng xen canh nhiều loại cây khác có khả năng chịu hạn nhằm đảm bảo thu nhập. Nhiều người khác thì lưu lại tất cả tin nhắn vì đây đều là những thông tin có giá trị thiết thực trong sản xuất thực tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn