Thay đổi tập quán sản xuất cũ giúp nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao
Sử dụng phân hữu cơ trồng rau màu
Cũng như bao nông dân ở xứ rẫy Kiến An (Chợ Mới), lâu nay, ông Nguyễn Văn Minh Hùng chuyên canh rau màu các loại: Hành, cải bẹ dún… Mặc dù, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nhưng thu nhập mang lại từ mô hình này vẫn chưa thật sự ổn định. Bên cạnh giá cả lên xuống theo thị trường thì chi phí sản xuất cao cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người dân chưa có được hiệu quả kinh tế. “Trước giờ, tôi cũng giống như nhiều bà con ở đây, canh tác theo kinh nghiệm và tập quán cũ, chủ yếu sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc. Điều này vừa làm nguồn đất nhanh bạc màu, vừa làm chi phí sản xuất đội lên rất cao, nên không có lời…” - ông Hùng phân tích. Nhờ được Hội Nông dân xã giới thiệu theo học các lớp kỹ thuật trồng màu áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật do Trường trung cấp Nghề Chợ Mới, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức, đã giúp ông Hùng có thêm kiến thức về trồng rau màu. “Thấy điều này áp dụng được cho mô hình của mình nên khi tham dự xong, tôi về triển khai ngay trên 5 công đất đang canh tác. Nhờ vậy, năm đầu tiên áp dụng đã đem lại hiệu quả” - ông Hùng chia sẻ.
Với 5 công đất của mình, trong năm ông Hùng canh tác xen 1 vụ hành và 3 vụ cải bẹ dún. Theo ông Hùng, cải bẹ dún từ lúc xuống giống đến thu hoạch chỉ khoảng 30 ngày. Kinh nghiệm sẵn có, cộng thêm trong quá trình chăm sóc sử dụng phân bón hữu cơ nên năng suất đạt khá cao, với khoảng 2,5 tấn/công. Với giá bán dao động từ 3.000-4.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, ông Hùng thu lợi nhuận trên 70 triệu đồng cho 3 vụ trồng cải bẹ dún. Riêng đối với hành thì chi phí giống cao hơn và thời gian chăm sóc kéo dài khoảng 70 ngày, nhưng nhờ năng suất đạt khá cao nên sau khi trừ chi phí, ông Hùng thu lãi gần 80 triệu đồng.
Trồng màu kết hợp phun sương
Sau khi xem trên báo, đài cùng với đi tham quan nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương trong tỉnh, bà Đặng Thị Tráng (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) rất thích thú và thực hiện một mô hình cho riêng mình. “Cũng canh tác nhiều năm nay, quan sát và học hỏi nhưng tôi thấy ở địa phương chưa có ai trồng cải rổ kết hợp cùng hệ thống phun sương tự động. Trong khi đó, cải rổ là mặt hàng được thị trường có nhu cầu cao. Thấy vậy, tôi mạnh dạn đầu tư ngay mô hình này”- bà Tráng giải thích. Năm đầu, bà Tráng trồng 1 công cải rổ và đầu tư hệ thống phun sương trị giá 20 triệu đồng. Qua 2 tháng chăm sóc, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, thu lãi hơn 10 triệu đồng.
So với cách tưới nước cũ, tưới phun sương cho hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt là giúp phân bố nước đồng đều, hạt nước nhỏ nên giữ cho đất luôn tơi xốp, đất không bị chai theo thời gian. Nước được phun từ trên cao xuống nên bề mặt lá của cây cải rổ được rửa sạch bụi bặm, giúp cải sinh trưởng và phát triển tốt hơn, năng suất cũng tăng. Bên cạnh đó, với cách tưới phun sương cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới hàng ngày, phù hợp với địa hình ở Thới Sơn. “Qua thực tế, mô hình trồng cải rổ kèm theo hệ thống phun sương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Cho nên, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cải rổ ở những vụ tiếp theo và sẵn sàng hướng dẫn bà con nông dân nào có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho gia đình” - bà Tráng thiệt tình.
Nhờ thay đổi tập quán sản xuất cũ, biết ứng dụng cái mới đã giúp ông Hùng, bà Tráng cũng như nhiều nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh giảm chi phí sản xuất, đạt năng suất cao và thu nhập cũng tăng lên đáng kể. |
Nguồn: baoangiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn