Từ những ao tôm bỏ hoang...
Là huyện đồng bằng ven biển tỉnh Bình Định, Phù Mỹ có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ trên 500 ha, trong đó hơn 3/5 nuôi tôm vùng triều. Tuy nhiên, những năm gần đây, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, hiệu quả nuôi thấp; hàng trăm ao nuôi tôm bị bỏ hoang sau thu hoạch, không ít hồ tôm treo biển bán hoặc cho thuê.
Anh Nguyễn Văn Quốc (thôn Xuân Bình, xã Mỹ An) nói: "Vụ tôm này năm trước, gia đình tôi thu hoạch được 14 - 15 tấn/ha ao nuôi. Năm nay, cũng diện tích đó nhưng sản lượng đã giảm 46 - 50% và thời điểm thu hoạch giá tôm ở mức 70.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) nên gia đình tôi thua lỗ 110 triệu đồng". Không riêng gia đình anh Quốc, vụ tôm năm nay có trên 80% hộ nuôi tôm ở xã Mỹ An bị thua lỗ, số còn lại hòa vốn và lãi không đáng kể.
Tại xã Mỹ Thắng cũng có gần 80% số hộ nuôi tôm không có lãi. Điển hình như hộ anh Nguyễn Đó ở Quảng Ngãi vào thuê đất của Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures để nuôi tôm. Anh Đó cho biết, vụ vừa rồi rơi vào thời điểm tôm rớt giá nhưng gia đình anh Đó phải thu hoạch sớm 0,5 ha tôm nuôi vì dịch bệnh nên đã thua lỗ hơn 60 triệu đồng. Vụ này, những người "xứ khác" như anh vào đây thuê đất nuôi tôm đều lỗ lớn. Bởi ngoài các khoản chi phí vật tư, hóa chất, con giống, thức ăn liên tục tăng thì những người thuê đất nuôi tôm như gia đình anh phải gánh thêm một số chi phí khác. Nay tôm bị dịch bệnh, giá rớt nên lỗ nặng.
Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, vụ tôm vừa qua người nuôi tôm ở các xã Mỹ An, Mỹ Thắng... lỗ nặng là do diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, sản lượng đạt thấp và thời điểm thu hoạch giá tôm giảm mạnh. Do thua lỗ, nhiều người nuôi ở đây đã lâm cảnh nợ nần, phải bỏ hoang ao nuôi, kiếm kế sinh nhai khác.
Nuôi cá vược trong ao nuôi tôm sinh thái cho hiệu quả cao Ảnh Bùi Đông
... đến giải pháp hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả canh tác, các ngành chức năng địa phương đã khuyến cáo và giúp nông dân chuyển hình thức nuôi thâm canh sang bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến... Theo đó, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương được chuyển tải thành công đến người nuôi. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá vược ở Mỹ Thành, Mỹ Cát của huyện này được nông dân trong vùng tích cực hưởng ứng.
Từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KNKN Bình Định đã phối hợp Trạm Khuyến nông Phù Mỹ thực hiện từ ngày 22/8/2012 tại ao nuôi của hộ bà Trương Thị Gái (thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Thành) và hộ ông Hoàng Công Nhật (thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát). Mô hình có tổng diện tích 10.000m2 với mật độ 1,5 con/m2; cỡ giống >=12cm/con; hệ số thức ăn 1,5; loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm >=35%. Các hộ tham gia mô hình được được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 30% thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Trạm Khuyến nông Phù Mỹ đã tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn các hộ nuôi tẩy dọn ao nuôi, xử lý nước, chọn con giống, khẩu phần ăn, chế độ thay nước, sục khí, cách chăm sóc và sử dụng hóa chất, men vi sinh, chất dinh dưỡng…; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hộ nuôi thực hiện đúng qui trình kỹ thuật.
Vừa qua, Trung tâm KNKN Bình Định đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình. Việc kết hợp dùng thức ăn tổng hợp trong 3 tháng đầu với thức ăn tươi đã giúp cá tăng trọng nhanh. Sau 8 tháng, tỷ lệ cá sống đạt trên 70%, trọng lượng cá đạt bình quân 0,8 kg/con, năng suất ước đạt 8.400 kg/ha. Với giá thị trường hiện nay 60.000 đồng/kg cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, mô hình thu lãi ròng 96 triệu đồng/ 5.000m2.
Xuống giống cá chẽm tại điểm trình diễn mô hình huyện Phù Mỹ
Tuy nhiên, bà Gái cho biết, điểm bất lợi nhất khi thực hiện mô hình là vấn đề xử lý đúng kỹ thuật môi trường ao nuôi do sử dụng kết hợp với thức ăn tươi (tôm, cá tạp...). Bên cạnh đó, theo Trạm Khuyến nông Phù Mỹ, mô hình triển khai trong điều kiện thời tiết bất lợi, thời kỳ cá nhỏ là mùa đông nên tỷ lệ hao hụt cao, độ đồng đều thấp; thời kỳ cá lớn nồng độ muối cao làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, các hộ nuôi phải bổ sung thức ăn; theo đó giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Với giá cá thương phẩm hiện nay 60.000 đồng/kg, ước tính giá trị thu được từ mô hình trên 504 triệu đồng; trừ đi tiền giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và công chăm sóc, lãi hơn 96 triệu đồng. Lợi nhuận mô hình chưa cao nhưng ổn định, môi trường nuôi không ô nhiễm, dịch bệnh các đối tượng vật nuôi được hạn chế. Thời gian tới, hai hộ tham gia mô hình và nhiều hộ khác mong muốn được hỗ trợ để nhân rộng mô hình này. Hiện, ngoài diện tích đã thu hoạch theo mô hình, bà Gái còn tiếp tục thả nuôi với diện tích 5.000m2, trọng lượng trung bình cá đạt 0,9kg.
Ông Trịnh Văn Minh - Trưởng Trạm Khuyến nông Phù Mỹ khẳng định, đây là mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về nuôi cá vược lần đầu tiên thực hiện tại Bình Định. Việc đưa cá vược vào nuôi trong ao đất nuôi tôm thâm canh là giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khả thi, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi. Mô hình mở ra cơ hội giúp người nuôi trồng thủy sản tận dụng diện tích ao nuôi tôm bỏ hoang phát triển đối tượng nuôi mới, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải tạo môi trường sinh thái, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập.
>> Theo Trung tâm KNKN Bình Định, nguồn vốn đầu tư cho KNKN năm 2013 gần 2,7 tỷ đồng. Trung tâm sẽ cùng các địa phương trong tỉnh xây dựng 16 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các mô hình thủy sản được chú trọng như: nuôi cá chình trong ao đất, nuôi hàu, nuôi cá đối mục, cá vược trong ao tôm suy thoái... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn