Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi đến nhà anh Lê Minh Tâm, 26 tuổi, sinh viên năm thứ 4, Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ (ngụ tại số 320/CT, tổ 14, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy,TP Cần Thơ) có trại thỏ khá lớn.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, anh Tâm vui vẻ tâm sự: Anh đến với nghề nuôi thỏ vào năm 2005. Ban đầu nuôi để thỏa mãn sự đam mê là chính. Sau thời gian rảnh rỗi việc học ở trường, anh ra sau vườn hái rau, cỏ cho thỏ ăn là một niềm vui.
Nhưng sau đó thấy thỏ có giá trị kinh tế, sinh sản nhanh, nhu cầu thức ăn lớn, nên anh mày mò tìm hiểu qua sách vở, báo chí để không mất thời gian cắt rau, cỏ cho thỏ ăn, vừa kiếm thêm nguồn kinh tế phụ để ổn định việc học tập của mình. Và, ý tưởng nuôi thỏ bằng thức ăn công nghiệp đã hình thành.
Theo anh Tâm, nuôi thỏ quy mô công nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, chuồng trại luôn sạch sẽ, ít bị dịch bệnh lây lan và có thu nhập khá. Hiện nay, trong trại của anh có tổng số 60 con thỏ, gồm 2 loại giống (New Zealand và Pháp) (trong đó 15 con bố mẹ). Nuôi thỏ rất dễ, ít tốn thức ăn (bình quân 2 triệu đồng thức ăn/60 con/tháng), miễn là nắm vững những yêu cầu kỹ thuật về chuồng trại, chăm sóc thỏ sinh sản, cho ăn và đề phòng dịch bệnh.
Anh chia sẻ kỹ thuật nuôi như sau:
Về chuồng trại: Tùy theo điều kiện kinh tế, lồng nuôi thỏ bằng vật liệu gỗ hay sắt, sàn nền bằng cát hay láng xi măng, thì phải tuân thủ những tiêu chuẩn cơ bản như sau: Nếu lồng bằng sắt (hay gỗ) phải ngăn lồng bằng lưới thép, cao 2,5 m, chia thành từng ô vuông (5 x 5 tấc), sàn cách 8 tấc (nền cát), cách 1 - 1,2 m (sàn xi măng). Vì nền xi măng giữ mùi hôi từ nước tiểu và thức ăn nhiều hơn khiến dễ gây mầm bệnh cho thỏ. Nền đất, nên vệ sinh nền 5 - 7 ngày/lần, nền xi măng thì vệ sinh hàng ngày.
Về phối giống cho đàn: Thỏ con bắt về nuôi khi được khoảng 3 tháng tuổi thì có thể phối giống được (nếu cho ăn thức ăn công nghiệp), 1 - 1,5 tháng (nếu nuôi bằng rau cỏ). Phải thường xuyên quan sát tình trạng động dục của con cái có những biểu hiện như bộ phận sinh dục có màu đỏ, nở to; thỏ cái không chịu ăn và hay phá chuồng. Thả con cái vào lồng con đực trong khoảng 10 giây khi giao phối xong bắt con cái trở về lồng cũ.
Khoảng 30 ngày thỏ mang thai, đến ngày thứ 28 đặt rổ làm ổ vào chuồng để thỏ cái tự bứt lông lót ổ đẻ (có khi thỏ mẹ bứt ít lông phải thêm chất lót như giẻ cho chúng). Thỏ đẻ (lần 1) được khoảng 5 - 6 con, đẻ lần kế tiếp (lần 2 - 3) khoảng 6 - 7 con; nhưng cho thỏ đẻ 6 con là tốt nhất vì thỏ mẹ có 8 vú. (nếu chăm sóc tốt tỷ lệ sống đạt 70%).
Theo anh Tâm, thỏ là thức ăn cao cấp trong các nhà hàng. Thịt thỏ chế biến nhiều thức ăn đẳng cấp như nấu rượu vang, quay, xào lăn, hầm sả... được mọi người ưa chuộng. Giá thỏ con 30 ngày tuổi khoảng 100.000 đ/con (New Zealand), 200.000 đ/con (Pháp); thỏ thịt (trọng lượng khoảng 2 kg) khoảng 65 - 70.000 đ/kg. Thu nhập bình quân của anh Tâm khoảng 3,5 - 5 triệu đ/tháng. |
Cho thỏ đẻ ăn ngày 2 lần với khẩu phần ít khoảng 40 gram và sau đó từ từ tăng dần. Riêng, thỏ con lúc đầu tự bú mẹ, sau đó từ từ ăn thức ăn của mẹ (cỡ 2, 4, 6 ly), tách bầy cho thỏ con ăn 2 lần/ngày, mỗi ngày 40 gram (tăng dần lên 2,5 kg/con, khẩu phần ăn tăng lên). Thỏ nuôi 3 tháng đạt trọng lượng khoảng 2 - 2,2 kg.
Thỏ nái sinh sản từ 7 - 8 lứa/năm. Để đảm bảo sức khỏe cho thỏ nái, nên phối giống 2 tháng sau khi sinh (cho sinh từ 5 - 7 lứa/ năm) là tốt nhất. Vì lợi ích kinh tế, cũng có thể cho thỏ nái phối giống từ 20 - 23 ngày sau khi đàn con đã cai sữa.
Về thức ăn: Thức ăn phải đảm bảo 2 thành phần chất xơ (6 - 8 %) và đạm (16 - 18 %). Do đó thành phần thức ăn cho cá là thích hợp nhất. Hiện nay, trên thị trường có những thức ăn (thương hiệu Hà Lan) như Hà Lan 7.1.18; Hinter.7005 và một số thương hiệu khác…
Để đảm bảo nguồn nước uống sạch cho thỏ, không nên dùng nước máy (dễ bị tiêu chảy), chỉ dùng nước mưa và nước sông (đã được lắng lọc) là tốt nhất, mỗi ngày khoảng 1 lít và nên thay nước hàng ngày.
Về dịch bệnh: 4 loại bệnh thường gặp nơi thỏ nuôi là cầu trùng (giai đoạn 20 - 45 ngày tuổi), tụ huyết trùng (45 - 70 ngày tuổi), bại huyết (xuất hiện ở thỏ nái cỡ 3,5 kg trở lên), đặc biệt thỏ đẻ qua 1 lứa thì bệnh ghẻ xuất hiện…
Những biện pháp khắc phục: Đối với cầu trùng, phòng hơn là trị. Khi thỏ được 20 ngày, cho thỏ uống dung dịch (hoặc dang bột) để đề phòng bệnh nầy. Bệnh cầu trùng cho thỏi uống Bio (thuốc dùng cho heo và gà vịt). Tụ huyết trùng thì chích thuốc tụ huyết trùng. Ghẻ thì thuốc đặc trị Vemetine. Bại huyết thường ít xuất hiện (nếu có tỷ lệ chết khoảng 70%), vì thế giai đoạn thỏ nái phải chích ngừa vaccine bại huyết (hạn chế lúc mang thai, sẽ bị sinh non).
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn