Phân lân Văn Điển là phân khoáng thân thiện môi trường
Vài thập kỷ qua ngành trồng trọt nước ta lạm dụng đầu tư phân hóa học quá mức, phân hữu cơ ít làm hạn chế năng suất cây trồng, sâu bệnh ngày càng tăng, nhưng nguy hại lâu dài hơn là làm đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước và không khí.
Các nhà khoa học cảnh báo, sử dụng phân hóa học có 2 vần đề nảy sinh: Nếu được chế biến quá đậm đặc một hoặc hai loại chất dinh dưỡng chính như urea, DAP, MAP… các chất khác bị loại trừ hết, sau nhiều năm sử dụng sẽ nảy sinh hiện tượng mất cân đối, thiếu hụt một số yếu tố trung, vi lượng trong đất.
Phân có chứa nhiều thành phần phụ độc hại, sau nhiều năm bón, thành phần phụ sẽ tích lũy trong đất, trong một số trường hợp sẽ gây ngộ độc cho cây. Có loại phân như đạm urea dư thừa tồn dư dưới dạng biure hoặc phân chứa tỷ lệ S (lưu huỳnh) cao bón nhiều, S lưu lại trong đất gây ngộ độc.
Muốn phát triển và hội nhập với thế giới sản xuất trồng trọt Việt Nam phải đi theo hướng đi của thế giới là hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường sử dụng những sản phẩm phân bón hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên thân thiện với môi trường làm ra sản phẩm sạch và an toàn.
Đa số nhiều người cho rằng đạm, lân, kali là phân hóa học, điều đó không sai. Nhưng riêng lân Văn Điển không phải là phân hóa học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tử Xiêm: “Phân lân Văn Điển không phải là phân hóa học, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn là quặng khoáng thiên nhiên; Phương pháp chế biến bằng vật lí nhiệt, tuyệt đối không dùng hóa chất. Vì thế rất phù hợp với canh tác nông sản sạch an toàn theo hướng VietGAP và GlobalGAP. Nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế đã xếp lân Văn Điển là loại phân khoáng cho nông nghiệp thân thiện với môi trường.”
Cũng nhận xét về phân lân Văn Điển, GS.TS Nguyễn Huy Phiêu cho rằng: “Phân lân nung chảy là loại phân tính kiềm, không tan trong nước, nhưng tan được trong dung dịch axít Ric 2% nên cây trồng có thể hấp thu được mà không bị cố định lân trong nước, an toàn về môi trường sinh thái. Ngoài ra, các yếu tố canxi, magiê và silic hòa tan giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; có khả năng kháng được một số các loại bệnh đồng thời nâng cao chất lượng nông sản”.
Là loại phân chậm tan, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó không gây ra hiện tượng phú dưỡng môi trường nước. Bón loại phân lân hòa tan nhanh vào đất trong 2 - 3 ngày đầu đã có từ 80 - 90% lượng lân chuyển hóa sang dạng phốt phát sắt, nhôm khó hòa tan và trong 1 - 2 tháng sau hầu hết lân đã chuyển thành phốt phát sắt kết tủa, hiện tượng cố định lân là rất nghiêm trọng.
Lân Văn Điển là loại phân đa yếu tố chứa đồng thời trên 20 chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng, tổng các chất dinh dưỡng lên đến 98%, cao nhất trong các loại phân hiện có ở Việt Nam, tất cả các chất đều ở dạng dễ tiêu. Văn Điển cũng là loại phân lân duy nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài lân là 1 trong 3 chất dinh dưỡng đa lượng; các chất trung và vi lượng ngoài có lợi cho cây trồng còn có tác dụng cải tạo đất. Dinh dưỡng canxi tạo thành canxi pectat, một thành phần quan trọng trong các tế bào, giữ cho thành tế bào được vững chắc. Canxi còn duy trì cân bằng anion, cation trong tế bào nên được xem là yếu tố chống độc cho cây.
Silic giúp cây hút cân đối các chất dinh dưỡng, cải thiện quá trình trao đổi chất, tăng tỉ lệ sử dụng đạm, điều tiết hút lân. Đất có nhiều Fe, Al di động silic có tác dụng hấp thụ Fe, Al do đó nâng cao khả năng sử dụng lân. Giúp nâng cao lượng hút các nguyên tố vi lượng Mn, Zn, Cu, B… Silic giúp cây cứng cáp, giữ bộ lá xanh đậm lâu, hấp thụ ánh sáng tốt, tăng sức đề kháng cho cây với thời tiết bất thuận và sâu bệnh, nâng cao chất lượng nông sản.
Các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dụng cho các loại cây trồng do thành phần chính có lân Văn Điển nên cũng có tác dụng như vậy. Nó khác với một số loại NPK thông thường là ngoài đạm, lân, kali còn có các chất trung và vi lượng. Các chất này được phối trộn với tỉ lệ cân đối, hợp lí đáp ứng với yêu cầu của từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Phân bón Văn Điển phù hợp canh tác nông sản sạch
Phân NPK Văn Điển sản xuất theo phương pháp phối trộn đạm và kali bằng công nghệ vo viên 3 màu bằng Mg, S bọc đạm và kali nên hạn chế bị bay hơi và rửa trôi, không có chất phụ gia nên thành phần dinh dưỡng cao, cây sử dụng được hầu hết, không để lại tồn dư chất độc hại cho đất và môi trường.
Quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn: Đất, nước không bị nhiễm bẩn, bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng cân đối giữa các loại phân (vô cơ, hữu cơ), không bón đạm nhiều bón đảm bảo thời gian cách ly; không dùng thuốc cấm thuốc hạn chế sử dụng, triển để sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Quy trình sản xuất rau hữu cơ: Sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc sâu sinh học, thuốc thảo mộc. Không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc hóa học. Như đã nêu ở trên, phân Văn Điển không phải là phân hóa học, là một loại phân hữu cơ nên có thể sử dụng bón cho rau an toàn và rau hữu cơ.
Loại phân Văn Điển bón cho rau gồm lân Văn Điển chỉ dùng để bón lót, 15 - 20 kg/sào. Hoặc dùng NPK Văn Điển 5-10-3, và NPK 10-10-5. Đối với rau ngắn ngày như cải xanh, cải ăn lá, xà nách, rau diếp, rau gia vị… bón lót NPK 5-10-3 từ 10 - 15kg/sào. Rạch hàng hoặc cuốc hốc, bón phân, lấp đất, tra hạt hoặc trồng con rau.
Đối với rau dài ngày như su hào, cải bắp, cải củ, cà rốt, súp lơ, đậu đỗ, dưa các loại, bầu, bí, mướp… bón lót NPK 5-10-3 từ 20 - 25 kg/sào. Bón thúc NPK 10-10-15 từ 20 - 25 kg/sào.
Thời điểm bón: Su hào khi trải lá bắt đầu hình thành củ; cải bắp khi trải lá bàng; họ bầu bí, dưa khi bắt đầu leo hoặc ngả gọn bò; cải củ, cà các loại sau trồng 25 - 30 ngày.
Cách bón: Làm cỏ, xới xáo, rạch theo hàng hoặc cuốc hốc 2 bên luống hoặc 2 bên gốc cây, sâu 2 - 3cm, cách gốc 15 - 20cm. Bón phân, phủ kín đất (tránh phân tiếp xúc với gốc) kết hợp với tưới nước.
Theo Chu Công Tiện/nongnghiep.vn
http://m.nongnghiep.vn/phan-bon-cho-san-xuat-rau-sach-post174373.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn