Nhiều tồn tại
Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi). Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 100 cơ sở tại 22 tỉnh, thành phố nuôi cá nước lạnh, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Bình Thuận… Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, nghề nuôi cá nước lạnh vẫn còn nhiều tồn tại. Các hộ nuôi và doanh nghiệp ngại đầu tư, do việc xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển cá nước lạnh toàn quốc còn chậm. Nguồn cung thức ăn cho cá còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dẫn tới giá thức ăn cao. Vấn đề con giống khá bất cập, chỉ mới ít doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu sản xuất được cá giống tại chỗ, còn lại phải nhập trứng cá thụ tinh về ương, khiến giá thành sản phẩm tăng cao.
Cùng đó, hệ thống nuôi hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên khó nâng cao năng suất. Chi phí đầu tư cho các cơ sở nuôi rất lớn, giá bán sản phẩm không ổn định, cộng với tình trạng cá nhập lậu tràn ngập thị trường đã khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ cá nước lạnh trong nước gặp vô vàn khó khăn.
Quy hoạch để phát triển
Nhằm khắc phục những tồn tại, đồng thời thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch nuôi cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh đạt 700 ha và 900.000 m3 nuôi trong bể ở 4 vùng (Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên); trong đó, 40 - 50% diện tích nuôi theo hướng thâm canh. Sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 70 - 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sản phẩm trứng cá nước lạnh 3 - 5 tấn/năm, giá trị xuất khẩu khoảng 10 triệu USD.
Về con giống, đảm bảo 50 - 60% nhu cầu con giống chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. 100% con giống đưa vào sản xuất được kiểm tra chất lượng. Thức ăn công nghiệp sản xuất trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu…
Đến năm 2030, sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và một số sản phẩm được xuất khẩu; sản phẩm trứng cá nước lạnh 15 - 20 tấn/năm, giá trị xuất khẩu 40 - 45 triệu USD. Đồng thời, sản xuất giống đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm và hoàn toàn tự chủ về thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh.
Quy hoạch này cũng chú trọng lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến ở vùng sản xuất cá nước lạnh tập trung, đặc biệt khuyến khích các nhà máy chế biến áp dụng công nghệ cao để đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường… Với việc quy hoạch chi tiết đến tận địa phương, hy vọng ngành cá nước lạnh trong nước đủ tiềm lực vươn lên và đủ sức chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, đồng thời hướng đến việc mang ngoại tệ về cho đất nước.
>> Sáng 26/10 tại tỉnh Lâm Đồng, BT |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn