Hiện nay, Bình Thuận có trên 60% dân số sống ở nông thôn. Thực tế những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây, giống con mới; ứng dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến.
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Từ nhu cầu thực tế của địa phương, trong năm 2012, ngành khoa học công nghệ tỉnh đã triển khai thực hiện 28 đề tài, dự án trên địa bàn. Hầu hết các đề tài, dự án triển khai dưới dạng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi được Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, các đề tài, dự án được triển khai nhân rộng trên một số địa phương trong và ngoài tỉnh ứng dụng vào thực tế. Điển hình một số đề tài, dự án có kết quả được ứng dụng như: Mô hình trồng cây ca cao dưới tán vườn điều; Xây dựng mô hình nuôi dông kết hợp với nuôi thỏ rừng lai tại xã Thuận Hòa; Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi lợn trên đệm lót lên men quy mô hộ gia đình...
|
Ảnh minh hoạ: Báo Diễn đàn doanh nghiệp |
Về giống lúa, qua nhiều năm khảo nghiệm và tuyển chọn liên tục trên nhiều vùng khác nhau đã có 3 giống lúa ML202, ML211 và ML2002-1 cho kết quả vượt trội so với các giống lúa đang sản xuất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năng suất cao và ổn định từ 7-7,5 tấn/ha, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi, kháng rầy, thời gian sinh trưởng ngắn (85-95 ngày), thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hạt gạo dài thơm, dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng đồng thời có khả năng sản xuất được 3 vụ/năm. Trong năm 2012 toàn tỉnh đã thực hiện được 1.300 ha giống lúa xác nhận, nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận lên 60%; xây dựng cánh đồng lúa năng suất cao 1.120 ha.
Việc ứng dụng các mô hình khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do năng lực quản lý cấp cơ sở còn yếu nên chưa tổ chức đồng bộ việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là việc triển khai diện rộng các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Trong khi đó, cũng còn thiếu các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…
Theo ông Lê Văn Tiến, để sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao cần có sự liên kết của bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, phải đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, các công đoạn sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ chế biến và sớm hoàn thành khu trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
TTXVN