Với lợi thế đất phù sa, nguồn nước chủ động, vài năm lại đây, với sự vào cuộc hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, nông dân xã Hưng Khánh đã chuyển đổi sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.
Cánh đồng rau an toàn tại Hưng Khánh phát triển tốt |
Vụ đông 2015, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An tổ chức các đợt tập huấn giúp nông dân làm quen kỹ thuật trồng cây bắp cải theo hướng an toàn trên đất bãi bồi ven sông Lam. Tại những thửa đất thử nghiệm mùa đầu, nông dân trồng với mật độ 2.000 - 2.200 nghìn cây/sào (500m2). Sau 3 - 3,5 tháng, cải bắp cho thu hoạch rộ từ giáp Tết Nguyên đán đến rằm tháng Giêng, năng suất cao, được giá, nông dân phấn khởi.
Từ 1ha ban đầu, vụ đông 2016, nông dân xã Hưng Khánh mở rộng diện tích lên 2ha gồm bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt… Đến thời điểm này, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, dự tính sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp tết Nguyên đán.
Ông Trịnh Văn Ngọ, Chủ nhiệm HTX DVNN Hưng Khánh cho biết: “Ở vùng đất này, năng suất ngô chỉ đạt 5 tấn/ha; cây lạc thì chưa vượt quá 2,5 tấn/ha. Nhưng với cây cải bắp, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất có thể đạt 60 tấn/ha. Thời điểm giá cải bắp “xuống đáy”, chỉ khoảng 4.000 đồng/kg, nếu vẫn bán được thì nông dân thu về 240 triệu đồng/ha, lãi ròng có thể trên 100 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng ngô, lạc.
Năm trước, cải bắp thu hoạch đúng giữa Tết Nguyên đán, giá bán lên đến 12.000 đồng/kg, người trồng cải bắp Hưng Khánh trúng lớn. Với hiệu quả rõ rệt, không cần hỗ trợ nông dân Hưng Khánh vẫn sẽ chuyển sang trồng cải bắp và một số loại hoa màu khác”.
Theo quy hoạch, nông dân Hưng Khánh sẽ có 5ha đất bãi bồi trồng rau màu an toàn theo hướng VietGAP. Đến thời điểm này đã có 100 hộ tham gia, trồng 2ha rau màu các loại, chủ yếu là cải bắp và su hào. Trước khi triển khai mô hình, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn cho nông dân. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ chế phẩm Trichoderma để ủ phân vi sinh hoặc hòa nước tưới cho cây con. Kết quả cho thấy, rau màu ít sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Phan Thanh Tùng, Phó phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An cho biết, dù mới 2 vụ mùa trồng cải bắp nhưng nông dân xã Hưng Khánh đã rút ra được nhiều bài học trong việc phòng và trị các loại sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công. Từ đó, cây màu vẫn phát triển tốt và hạn chế được việc sử dụng các loại thuốc BVTV. Cây cải bắp thường gặp một số bệnh như thối hạch, sưng rễ, đốm vòng, thối nhũn, lở cổ rễ.
Những bệnh này, qua thực tế sản xuất, bà con chủ yếu vệ sinh vườn, trồng cây sạch bệnh, luân canh với cây trồng khác họ như hành, cà rốt, bón phân cân đối, tăng lượng phân chuồng hoai có tác dụng kích thích cây khỏe và hạn chế được sự phát triển của bệnh. Nếu đất chua cần bón thêm vôi để nâng độ PH đất, xử lý hạt giống bằng nước nóng 50 độ C trong khoảng 30 phút trước khi gieo. Sau thu hoạch, nông dân làm đất kỹ, lên luống cao dễ thoát nước.
Để đối phó với một số loại sâu như sâu tơ, rệp, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, sâu xám, sâu khoang, ngoài việc vệ sinh đồng ruộng, bà con còn phá bỏ các ký chủ phụ xung quanh ruộng, cày lật đất sớm để diệt trứng, nhộng, sâu non và hạn chế mầm bệnh, trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như cà chua, hành, tỏi. Thời điểm bướm xuất hiện với mật độ cao, nông dân dùng vợt bắt, ngắt nhộng trên lá, thu dọn và huỷ bỏ tàn dư cây trồng.
Để hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, UBND xã Hưng Khánh đã đầu tư đường điện ra tận các chân đất; xây bể dự trữ nước. Hiện nay, nhiều hộ trồng màu đã lắp đường ống dẫn nước để thuận tiện cho việc tưới cho rau màu.
Ông Trịnh Văn Ngọ, Chủ nhiệm HTX DVNN Hưng Khánh cho biết thêm: “Chúng tôi đang tìm đối tác trước khi mở rộng diện tích. Nông dân đã sẵn sàng để sản xuất nông sản sạch rồi nhưng một số đối tác đang chần chừ vì điều kiện vận chuyển đi qua cây cầu yếu sang vùng bãi rất khó khăn. Bên cạnh đó, dư âm được mùa, mất giá cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng rau...”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn