Một vùng chè an toàn ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Kết quả bước đầu
Kết quả điều tra của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy, có tới 49% nông dân các vùng trồng chè được hỏi sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% nông dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân trộn 3 loại thuốc khi phun trong khi bà con không hề biết việc phối trộn này sẽ làm tăng nồng độ thuốc lên nhiều lần; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có hộ phun tới 4 lần/tháng, gây lãng phí trong sử dụng thuốc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè. Cùng với tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về.
Để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, nhiều địa phương đã chú trọng đến phát triển các vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, trong đó áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) từ năm 2009. Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên được thực hiện ở xã Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ), sau đó tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương. Hiện, toàn tỉnh có trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), trong đó có 46 mô hình chè được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 600ha (1.694 hộ tham gia), sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 6.800 tấn.
Cơ cấu giống chè giai đoạn 2011-2015 đã có sự thay đổi với xu thế tăng diện tích chè giống mới. Nếu như năm 2011, diện tích chè trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% diện tích thì đến năm 2015 diện tích chè giống mới đạt 13.197ha, chiếm 62,4% tổng diện tích, với các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI777,…
Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên các sản phẩm chè chế biến tại Thái Nguyên ngày càng có uy tính và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm và nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm chè chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ nội địa của chè Thái Nguyên đạt 32.680 tấn thành phẩm (chiếm 83,8%); sản lượng chè xuất khẩu đạt 6.300 tấn (chiếm 16,2% sản lượng chè chế biến). Hiện, giá chè xuất khẩu dao động ở mức 1,7-2USD/kg tuỳ chủng loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,6 triệu USD. Thu nhập của người trồng chè ngày càng được cải thiện, năm 2015, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng chè đạt 100 triệu đồng/ha
Tại Tuyên Quang, năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch trồng trọt đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chè là cây trồng hàng hóa chủ lực có lợi thế của tỉnh, với mục tiêu ổn định diện tích chè toàn tỉnh khoảng 8.800ha. Giai đoạn 2016-2020 trồng thay thế khoảng 1.000ha chè giống trung du đã già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt, đưa tỷ lệ chè lai, chè đặc sản tăng từ 47,2% hiện nay lên 60%; chăm sóc cải tạo trên 1.600ha chè Shan hiện có và trồng mới 500ha chè đặc sản tại huyện vùng cao (Na Hang, Lâm Bình). Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho trên 1.300ha chè. Đẩy mạnh nhân rộng quy trình sản xuất chè hữu cơ, VietGAP, đến năm 2020, diện tích chè tập trung sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, chè hữu cơ đạt 2.390ha; cung cấp cho thị trường khoảng 33,48 nghìn tấn nguyên liệu để chế biến chè đặc sản, chè sạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP; diện tích chè đã được chứng nhận VietGAP là 15,6ha; có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong chế biến chè.
Vẫn còn khó khăn
Tuy vậy, theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, việc phát triển các mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số vùng diện tích trồng chè manh mún nên gặp nhiều hạn chế trong công tác hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình sản xuất. Nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của VietGAP còn hạn chế. Chưa định hướng chính xác về nhu cầu, số lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất chè. Thanh, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè mới chỉ thực hiện được tại các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng nguyên liệu của các công ty chè. Vẫn còn một bộ phận người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm, chạy theo năng suất, chưa chú trọng thời gian cách ly sau khi phun thuốc BVTV, bón phân.
Theo đánh giá của đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc chưa gắn giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu là một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất chè an toàn chưa được nhân rộng. Nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng chủng loại và kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly… còn phổ biến ở nhiều vùng chè. Đây là vấn đề rất bức xúc trong sản xuất cần sớm khắc phục để có sản phẩm chè an toàn. Tình trạng phát triển các cơ sở chế biến tự phát không theo quy hoạch, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ với công nghệ thấp, không những gây căng thẳng về nguồn nguyên liệu, mà còn dẫn đến không chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Đẩy mạnh liên kết nông dân - doanh nghiệp
Trong định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Theo đó, vùng có độ cao dưới 500m so với mặt biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, với diện tích khoảng 80.000ha, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh… Vùng có độ cao từ 500 đến dưới 800m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp, tập trung phát triển ở các vùng núi của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai… Vùng có độ cao trên 800m và một số vùng chè đặc sản như ở Thái Nguyên, định hướng phát triển sản xuất chè chất lượng cao, chè Ô long như các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu...
Đầu tư nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn tập trung vào các giải pháp canh tác và giải pháp sinh học như sử dụng thiên địch, sử dụng thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại chè. Đầu tư các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn. Khuyến khích các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certificed, RFA tham gia chứng nhận sản xuất chè trên địa bàn cả nước. Tăng cường kiểm tra sản xuất, chế biến chè, có giải pháp quản lý, tổ chức và chỉ đạo chè an toàn kịp thời. Tổ chức liên kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến chè, hình thành tổ dịch vụ bảo vệ thực vật để sản xuất chè an toàn bền vững.
Từng địa phương có kế hoạch rà soát, đánh giá năng lực thiết bị, công nghệ và khả năng cung cấp nguyên liệu của các cơ sở chế biến trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến chè, có hình thức xử lý nghiêm đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Đến nay, Cục Trồng trọt đã chỉ định 15 tổ chức chứng nhận VietGAP cho chè búp tươi trên cả nước. Các tổ chức chứng nhận VietGAP đã chứng nhận cho 197 cơ sở sản xuất chè với diện tích 9.306,48ha (diện tích chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực), trong đó tập trung ở một số tỉnh như: Yên Bái 2.042ha, Phú Thọ 1.954,18ha, Hà Giang 1.063,7ha, Lào Cai 1.200ha, Lâm Đồng 363,4ha, Thái Nguyên khoảng 600ha... |
Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn