Đây là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ghẹ xanh đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên, dẫn đến suy giảm nguồn lợi, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.
Ghẹ xanh thương phẩm thu hoạch từ quy trình SX giống nhân tạo
Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm quy trình SX giống nhân tạo tại Trại giống hải sản Bến Bèo (Cát Bà). 450 con ghẹ gạch (ghẹ mẹ) khối lượng 150 - 250 gr/con được chọn lọc và chia đều nuôi vỗ thành 3 đợt trong bể xi măng 5 m3, có bố trí 2 - 3 tấm ngói nóc prô-ximăng làm nơi trú ẩn cho ghẹ, 1/3 diện tích đáy lót cát mịn dày 15 cm.
Sau khi vệ sinh, khử trùng trại SX, lấy nước biển vào bể nuôi khi thủy triều lên cao nhất, độ mặn cần đạt trên 30‰. Khi chọn và nuôi vỗ ghẹ xanh có gạch cho đẻ trứng thì chọn ghẹ gạch khỏe mạnh và ở gần vùng SX để tránh thời gian vận chuyển lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe ghẹ.
Sau khi ghẹ gạch đẻ và ôm trứng thì vớt ra nuôi riêng ở thùng nhựa, sau đó tổ chức ương nuôi ấu trùng ghẹ xanh trong bể ương đạt tiêu chuẩn.
Một trại SX ghẹ xanh phải ở gần biển, thuận lợi cho việc lấy nước biển phục vụ SX, gần các khu vực đầm nuôi hải sản để thuận lợi cho việc cung cấp con giống và ghẹ mẹ. Vùng SX tránh xa các nguồn gây ô nhiễm như nước thải công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt…
Việc SX nhân tạo thành công giống ghẹ xanh mở ra một cơ hội cho ngành nuôi trồng thủy sản Hải Phòng - nơi có tiềm năng lớn về diện tích mặt nước nuôi trồng. Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trên các đối tượng hải sản truyền thống như cá biển và tôm he nhưng nhưng gần đây, do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nên năng suất, hiệu quả của nghề nuôi các đối tượng này còn thấp.
Trong số các đối tượng nuôi mới, ghẹ xanh là đối tượng nhiều tiềm năng do khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường nuôi. ThS Lương Hữu Toàn, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, các trại giống hải sản hiện có ở Hải Phòng đều đủ khả năng SX ghẹ giống với quy mô khác nhau.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn