Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế biển. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong khai thác hải sản ở Việt Nam luôn được quan tâm bởi các cấp, các ngành và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và bà con ngư dân. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm của nghề khai thác thủy sản đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Từ một nghề cá thủ công, đến nay đã từng bước được hiện đại hóa.
Đến nay đã có nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ về khai thác hải sản được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả. Trong đó, các nghiên cứu tập trung vào 3 mảng đề tài chính là nghiên cứu ứng dụng và cải tiến ngư cụ - quy trình kỹ thuật khai thác phục vụ sản xuất; nghiên cứu các thiết bị phục vụ khai thác hải sản; nghiên cứu ứng dụng ngư cụ chọn lọc phục vụ công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản. Tiêu biểu, nhóm đề tài nghiên cứu ứng dụng và cải tiến ngư cụ - quy trình kỹ thuật khai thác đã đưa ra được công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: lưới chụp mực 4 tăng gông khai thác xà mực ở vùng biển xa bờ miền Trung; lưới kéo đôi tầng đáy khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ; lưới vây khai thác cá ngừ ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam bộ… Hay nghiên cứu ứng dụng các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như ứng dụng máy dò ngang, ra đa trên tàu khai thác hải sản đã thu kết quả khích lệ. Việc sử dụng các thiết bị này trên tàu góp phần tăng năng suất khai thác đội tàu 1,5 - 2 lần so với tàu không sử dụng. Mặt khác, dự báo ngư trường khai thác đã được thực hiện cho các nghề khai thác chủ yếu như lưới kéo, lưới vây, lưới rê… Công tác dự báo ngư trường khai thác được thiết lập các bản tin dự báo theo mùa vụ, quý, tháng để cung cấp cho ngư dân tham gia khai thác trên biển.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trong thời gian qua, lĩnh vực khai thác đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, trong đó phải kể đến Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 48, đề án tổ chức lại khai thác hải sản theo Quyết định 375 theo hướng tái cơ cấu… Mặt khác, trong quá trình tái cơ cấu ngành, tổ chức lại khai thác hải sản đều xác định khoa học công nghệ là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác và có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn thách thức, trong đó công nghệ còn nhiều hạn chế như: tàu cá nước ta vẫn còn lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trang bị và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém, đẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Trong thời gian qua, chúng ta đã tiếp cận công nghệ mới và áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam, bước đầu đánh giá được trữ lượng nguồn lợi và sản lượng khai thác cho phép tối đa trên các vùng ngư trường làm cơ sở cho việc tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, cần đánh giá thêm về trữ lượng ở những vùng biển xa. Việc ứng dụng công nghệ hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, chưa có mô hình cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị khi tiếp cận đến ngư dân còn hạn chế, thiếu những doanh nghiệp đầu tàu để kết nối giữa chủ tàu và thị trường nhằm tổ chức lại sản xuất trên biển và sản xuất theo chuỗi.
Áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác thủy sản là cấp thiết - Ảnh: Xuân Trường
Theo các nhà chuyên môn một số nghề cũng như một số công nghệ phụ trợ nên ưu tiên phát triển tại khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ trong thời gian tới như: câu vàng cá ngừ ở vùng biển sâu; cải tiến, hiện đại nghề câu cần cá ngừ; tàu lưới vây đuôi; ứng dụng lưới vây không gút có độ dài và cao lớn để khai thác đàn cá có quy mô lớn hơn ở vùng biển khơi; Lưới rê hỗn hợp bằng lưới sử dụng sợi không se; Cơ giới hóa nghề chụp mực thông qua hệ thống máy tời thu lưới; Công nghệ lồng bẫy khai thác nguồn lợi cá đáy vùng rạn san hô và thềm dốc lục địa và các đối tượng khác như mực nang, bạch tuộc; Công nghệ thiết bị tập trung cá như chà di động, chà rạo; Hệ thống ánh sáng như ánh sáng ngầm, ánh sáng màu, công nghệ đèn LED; Công nghệ bảo quản sản phẩm tiên tiến như đá vảy bằng nước biển, đá sệt (nhiệt độ 0 - 300C); Hệ thống cấp đông (nhiệt độ -40 đến -700C); Công nghệ Nitơ lỏng và tinh thể khí Nitơ trong bảo quản cá ngừ; Công nghệ bảo quản đông tế bào CAS.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc quan trọng nhất là Việt Nam phải điều chỉnh từ cách tiếp cận, quan điểm, tổ chức sản xuất, quản lý, hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và quan trọng là phải có khoa học công nghệ… Chủ động nghiên cứu để có một hệ thống lâu dài, cơ chế vận hành hiệu quả. Bên cạnh đó, cần huy động tổng thể các nguồn lực nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tránh tình trạng phân tán, lãng phí nguồn lực. Phát triển khoa học công nghệ để ngành thủy sản thực sự trở thành động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng có hiệu quả các công nghệ tiên tiến của thế giới, góp phần phát triển thủy sản bền vững.
Do đó, mà nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.
>> Trong Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 2,4 - 2,6 triệu tấn, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ từ 52% hiện nay xuống còn khoảng 36,4%; tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 48% lên 63,6% và giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn