Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. (Ảnh: HM)
Tiêu biểu, trên lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, trong 5 năm qua, đã có 214 giống cây trồng mới và 103 kỹ thuật tiến bộ đã được công nhận và đưa vào sản xuất. Trong đó gồm: 137 giống cây trồng thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, 15 giống hoa, 21 giống cây ăn quả, 41 giống cây công nghiệp các loại. Hầu hết các giống cây trồng đều cho năng suất vượt giống cây trồng phổ biến cùng loại đang sản xuất vùng là 10-15%. Với các kỹ thuật tiến bộ có thể kể đến như: quy trình sản xuất lúa SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến), quy trình ghép cải tạo vườn xoài năng suất thấp, quy trình kỹ thuật chống rụng hoa, quả của bưởi đã góp phần tích cực phục hồi nghề trồng bưởi đặc sản ở nhiều nơi; quy trình công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng khí canh, thủy canh.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các công nghệ phát triển chăn nuôi bò sữa, có thể kể đến công nghệ chọn lọc và nhân giống năng suất cao, nuôi bò bằng sử dụng thức ăn hỗn hợp,… Đến nay, đã có khoảng 62.000 con giống bò sữa HF năng suất cao cho năng suất sữa từ 6.500-7.600 kg sữa/chu kỳ 305 ngày.
Đồng thời, đã chọn lọc được giống gà Ri vàng rơm và gà Ri cải tiến dòng R1 và R2, giống gà VCN15 và đưa vào sản xuất nhiều giống gà ngoại khác đang được thị trường ưa chuộng; tạo được các giống gà phục vụ chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp như: TP1, TP2, TP3, LV1, LV2. Áp dụng thành công lần đầu tiên ở Việt Nam công nghệ thụ tinh nhân tạo ngan, vịt cho con lai ngan vịt năng suất thịt rất cao 3,6-4kg; tạo được 4 dòng vịt siêu thịt và 6 dòng ngan lai ngan Pháp có năng suất cao, xây dựng được quy trình chăn nuôi ngan, vịt bố mẹ siêu thịt theo phương thức nuôi nhốt và nuôi chăn thả có kiểm soát.
Cùng với đó, trên lĩnh vực lâm nghiệp, hoạt động KHCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng về chọn tạo giống, đã chọn lọc, lai tạo thành công các giống lâm nghiệp mới có năng suất cao đạt 35-40m3/ha/năm, chất lượng tốt, cho rừng trồng nguyên liệu giấy và cung cấp gỗ xẻ. Thời gian qua đã có 158 giống mới của các loài cây trồng chủ lực (keo, bạch đàn, tràm), trong đó, một số giống có khả năng chống chịu bệnh, điều kiện khô hạn, nóng, một số giống có chất lượng gỗ phù hợp với gỗ giấy và gỗ xẻ, đã được công nhận và đang phát huy tác dụng tốt cho trồng rừng sản xuất và phòng hộ.
Mặt khác, đã nghiên cứu các giải pháp quản lý, phát triển giống mới và kỹ thuật trồng rừng để chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn có năng suất đạt trên 20-25m3/ha/năm; xây dựng quy trình công nghệ bảo quản gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất ván ghép thanh, ván dán, gỗ dùng trong xây dựng, gỗ cột cọc thay thế gỗ rừng tự nhiên sử dụng ngoài trời để làm trụ chống cho hồ tiêu, thanh long, gỗ đóng tàu thuyền đi biển,…
Đặc biệt, KHCN đã hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thông qua các hoạt động phát triển KHCN đã hỗ trợ địa phương và nông dân thay đổi mô hình canh tác, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi sản xuất, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, góp phần tạo nên những hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi, ứng dụng đồng bộ các giải pháp KHCN, tạo ra các mô hình thành công cánh đồng mẫu lớn như: mô hình tập đoàn Lộc Trời, mô hình công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, mô hình công ty cổ phần sữa TH,… Các mô hình này đã góp phần đẩy nhanh việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần đẩy mạnh nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, cần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức triển khai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, đề án, kế hoạch về KHCN. Khuyến khích các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN theo chuỗi giá trị; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm giải quyết khâu vốn, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, người nông dân là chủ thể của sản xuất gắn kết với doanh nghiệp, đảm bảo kết nối quá trình sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Đáng chú ý, cần đổi mới tư duy về các hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo hướng thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.
Mặt khác, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, chủ lực và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen nông nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy trình sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường.
Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong tưới, tiêu cho các loại cây trồng chủ lực; nghiên cứu phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp với phát triển hạ tầng nông thôn, phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển nông thôn mới, các giải pháp cấp nước ngọt cho các vùng khan hiếm nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản hàng nông sản, thực phẩm chủ lực. Chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ, thiết bị sản xuất thực phẩm chức năng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực, rau quả và các chế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: BT
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn