UBND huyện Kế Sách đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu cho hai loại trái cây có lợi thế này. Theo đó, Hợp tác xã Bưởi Năm roi – Da xanh Kế Thành (xã Kế Thành) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với 11,5 ha bưởi da xanh, sản lượng 600 tấn/năm; Hợp tác xã trồng cây ăn trái Đại Đoàn Kết (xã Ba Trinh) được trao Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 42,85 ha cam sành. Nhãn hiệu tập thể cho bưởi Kế Thành và cam sành Ba Trinh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
Tuy nhiên, để phát huy lợi thế, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững, hai sản phẩm bưởi Kế Thành và cam sành Ba Trinh phải từng bước có chỗ đứng trong phân khúc thị trường chất lượng cao và hệ thống siêu thị.
Để có “giấy thông hành” vào phân khúc này và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, bên cạnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, huyện Kế Sách phối hợp với Hợp tác xã Bưởi Năm roi – Da xanh Kế Thành và Hợp tác xã trồng cây ăn trái Đại Đoàn Kết triển khai ứng dụng tem điện tử xác thực nguồn gốc, hướng dẫn HTX cài đặt và sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone).
Tem được thiết kế gồm một mã QR code và nhãn hiệu được bảo hộ của sản phẩm. Mã QR code được đọc bởi smartphone cung cấp thông tin về sản phẩm, cơ sở hoặc nhà vườn sản xuất ra sản phẩm. Nói cách khác tem điện tử xác thực nguồn gốc giúp minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm của mình với khách hàng và người tiêu dùng.
Với sự chuẩn bị đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường, hy vọng hai sản phẩm bưởi Kế Thành và cam sành Ba Trinh ngày càng huy được thế mạnh trên thị trường.
Tác giả bài viết: VŨ BÁ QUAN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn