Mô hình được thực hiện tại Câu lạc bộ "Sinh kế và quyền phụ nữ" của các thôn Pắc Châm (xã Bành Trạch), Khuổi Slưn (xã Thượng Giáo), Bản Phướng (xã Cao Thượng) với quy mô 3ha, 60 hộ tham gia (bình quân mỗi hộ trồng 500m2). Giống đậu tương sử dụng trong mô hình là đậu vàng Cao Bằng. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón, được tập huấn cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo phương châm "cầm tay chỉ việc", tập huấn trực tiếp tại hiện trường theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng trước khi cấp phát giống. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống địa bàn, kết hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, kiểm tra định kỳ sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng nhằm sớm phát hiện các biểu hiện của bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời. Sau hơn 4 tháng triển khai, cây đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất, sản lượng đều cao hơn so với cách trồng truyền thống của địa phương từ 8 - 10 tạ/ha/vụ (trồng đậu tương bằng hình thức thâm canh cho năng suất trung bình 20 - 25 tạ/ha/vụ). Hạt có mẫu mã đẹp, chắc, đều. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, 1ha đậu tương cho thu gần 50 triệu đồng. Tại hội thảo tổng kết mô hình, bà Đồng Thị Thiếm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bành Trạch cho biết, mô hình góp phần thay đổi nhận thức, tập quán của một bộ phận nông dân; tăng hệ số sử dụng đất; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho chị em phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn, trăn trở nhất của bà con cũng như ban lãnh đạo xã là đầu ra của sản phẩm. Năm nào trồng ít thì bán giá cao, trồng nhiều thì bị tư thương ép giá nên nông dân bị thiệt thòi. Bà Thiếm đề nghị, trước khi tuyên truyền, vận động nông dân đưa cây đậu tương vào sản xuất vụ 3, lãnh đạo các cấp, ngành liên quan cần quan tâm đến vấn đề đầu ra của sản phẩm, để đảm bảo tính bền vững của mô hình. Hà Thị Hinh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn