Mô hình ruộng lúa bờ hoa đang phát triển ở ĐBSCL
Theo các nhà khoa học, SX nông nghiệp gây ra 14% lượng khí nhà kính làm Trái đất nóng lên, trong đó canh tác lúa chiếm diện tích lớn. Trồng lúa chống biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường đang được thực hiện ở ĐBSCL.
THAY ĐỔI KỸ THUẬT CANH TÁC
Mấy năm qua ở các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ đã thí nghiệm phương pháp trồng lúa tiết kiệm nước. PGS.TS Lê Văn Hòa, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, để ruộng khô xen kẽ ngập nước đã tiết kiệm được gần 20% lượng nước so với để ngập nước liên tục, mà năng suất lúa vẫn cao. Cụ thể, mỗi ha chỉ sử dụng 783 m3 nước thay vì 915 m3 như để ngập thường xuyên.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, một chuyên gia về giống lúa ở tỉnh Sóc Trăng giải thích, trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, có nhiều giai đoạn để ruộng khô thì cây lúa phát triển tốt hơn, đẻ nhiều nhánh hơn là ruộng ngập nước và cho năng suất cao hơn.
Giảm lượng nước trong canh tác lúa là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giảm khí thải nhà kính làm trái đất nóng lên. Bởi vì, giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa gây phát thải khí metan (CH4), theo TS Mai Văn Trịnh, Phó Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp.
TS Trịnh cho biết, canh tác lúa để ruộng khô xen lẫn ngập nước một cách hợp lý, có thể giảm lượng khí phát thải nhà kính 20 - 30% so với để ngập nước liên tục. Sự giảm này có giá trị rất lớn vì SX lúa gạo đang phát thải khí metan chiếm đến 15 - 20% lượng khí metan toàn cầu.
Giải pháp tiếp theo là giảm lượng phân đạm vô cơ, để giảm phát thải oxit nitơ (N2O). Phân đạm vô cơ được thay bằng phân bón hữu cơ, cũng có nghĩa sử dụng triệt để rơm rạ để làm phân bón. Việc này đem lại lợi ích kép, vì không còn tình trạng đốt rơm rạ nên cũng giảm phát thải khí cacbonic (CO2).
Giảm diện tích trồng lúa và sử dụng giống lúa ngắn ngày, càng giảm lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho biết, năm qua ĐBSCL đã chuyển nhiều diện tích lúa sang trồng bắp, đậu tương, mè hầu hết thành công. |
Thay đổi kỹ thuật canh tác đã giảm được ba loại khí thải chính trong SX lúa, làm trái đất nóng lên. Những thay đổi này còn làm giảm chi phí bơm tưới, phân bón và do đó nâng cao thêm hiệu quả SX lúa gạo, thêm lợi nhuận cho nông dân.
GIẢM LÚA
Ở Hậu Giang có nhiều hộ nông dân đã bỏ vụ lúa HT để trồng dưa leo, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn làm 3 vụ lúa. Năng suất dưa leo 30 - 32 tấn/ha/vụ, thu được hơn trăm triệu đồng, mà bỏ vụ lúa HT còn làm được 2 vụ dưa leo. Lại có hộ thay vụ lúa HT bằng 1 vụ dưa leo và 1 vụ bắp, cũng có lời hàng chục triệu đồng mỗi ha.
“Cơ cấu 2 lúa - 1 màu cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với 3 lúa, cả về kinh tế lẫn môi trường. Các loại cây màu ngắn ngày còn giúp nông dân chủ động hơn trong ứng phó với lũ lụt cũng như hạn hán bất thường do biến đổi khí hậu”, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang, Nguyễn Văn Đồng nói.
Nhiều năm trước, cả vùng ĐBSCL đắp đê bao để mở rộng diện tích lúa vụ 3 thì hiện nay, chuyển động chiều ngược lại, bỏ lúa trồng màu. Cơ cấu 2 lúa - 1 màu ở tỉnh đầu nguồn lũ Đồng Tháp cho lợi nhuận cao hơn 3 vụ lúa khoảng 25 triệu đồng/ha. Nông dân Cần Thơ làm 1 lúa - 2 màu cũng có lợi nhuận cao hơn 3 vụ lúa gần 20 triệu đồng/ha. Còn ở tỉnh Long An, trồng bắp lai thay thế luôn vụ lúa ĐX, đạt lợi nhuận 24 - 25 triệu đồng/ha/vụ.
“Từ nay đến năm 2020, kế hoạch sẽ chuyển 204.000 ha lúa ở ĐBSCL sang trồng màu, chủ yếu là bắp, đậu tương và các loại rau dưa khác”, ông Dư cho biết.
SÁU NGHỆ
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn