Nhờ thực hiện tốt cải tạo vườn, cơ giới hóa SX, đổi mới công nghệ chế biến, năng suất, chất lượng chè ở tỉnh Tuyên Quang đã tăng đáng kể.
Cty chè Mỹ Lâm là một trong những đơn vị đi đầu thay thế những giống chè già cỗi bằng giống mới năng suất hơn. Cty đã cải tạo được 300 ha già cỗi (giống chè trung du) bằng những giống chè mới như PH1, PH2, Bát Tiên… Ông Trần Quốc Văn, PGĐ Công ty chè Mỹ Lâm cho biết: Những vườn chè sau khi cải tạo cho năng suất tăng gấp đôi so với trước, đạt 10 - 12 tấn/ha/năm. Cty đã đầu đầu tư 44 tỷ đồng mua 4 dây chuyền SX chè đen CTC công nghệ tiên tiến do Ấn Độ SX, công suất chế biến 90 tấn nguyên liệu/ngày. Nhờ vậy, giá trị chè XK tăng từ 10 - 15% so với trước.
Cũng như Cty chè Mỹ Lâm, từ năm 2011 đến nay, Cty chè Sông Lô đã thực hiện cải tạo được 144/525 ha chè, dự kiến đến năm 2014, sẽ hoàn thành trẻ hóa toàn bộ diện tích. Do tích cực đầu tư cải tạo vườn chè, đổi mới thiết bị công nghệ (đầu tư gần 10 tỷ đồng mua công nghệ chế biến mới), giá trị chè XK của Cty đã tăng 15% so với trước. Nhờ vậy, giá thu mua chè nguyên liệu cũng tăng lên gần 6.000 đồng/kg búp tươi (loại 1). Đây là giá thu mua chè nguyên liệu cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nhờ đổi mới công nghệ, Cty TNHH Hoàn Sơn đã ký được hợp đồng và xuất lô hàng trăm tấn chè sao xanh sang Afghanistan. Hiện Cty đang tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường XK chè sang các nước khu vực EU, Trung Đông...
Do tích cực thực hiện cơ giới hóa, đưa máy thu hái vào SX, năng suất chè cũng được cải thiện rất nhiều. Gia đình anh Trần Duy Quang, thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên có gần 3 ha chè, mỗi năm thu 7 - 8 lứa. Trước đây, mỗi lứa chè, gia đình anh phải thuê chục lao động hái hàng tuần mới xong. Nhưng từ khi sử dụng máy hài chè, chỉ với 2 người làm, hái 3 - 4 ngày là xong.
Ông Trần Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên cho biết: Hiện xã có 230 ha chè đang cho thu hoạch, với năng suất đạt khoảng 1.700 - 1.800 tấn/năm. Các hộ trong xã đã mua trên 210 máy thu hái chè các loại, qua đó góp phần nâng cao năng suất, giảm công sức lao động.
Ông Nguyễn Thọ Lai, PGĐ Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có hơn 8.000 ha chè. Để nâng cao giá trị SX của cây chè, các huyện, thành phố và DN đã tiến hành rà soát diện tích trồng chè, quy hoạch vùng nguyên liệu, thay thế những giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ chế biến, tăng cường quảng bá thương hiệu…
PV - QUANG ĐÁN
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn