Theo PGS-TS Lê Tất Khương, với điều kiện của Việt Nam, chỉ cần ứng dụng một phần công nghệ của Israel thôi, những phần còn lại cần nội địa hóa thì giá thành mới rẻ, mới chấp nhận được. Đây là chỗ mà các nhà khoa học Việt Nam cần phát huy vai trò của mình.
Cách đây vài năm, Hadico - một doanh nghiệp nhà nước của Hà Nội - bỏ ra 8 tỷ đồng để nhập nguyên dây chuyền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của Israel về phục vụ dự án xây dựng khu trồng hoa hàng hóa tập trung tại hai xã Tây Tựu và Liên Mạc.
Nhưng sau khi xây dựng xong, khu CNC này hầu như không hoạt động. Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự thất bại của dự án, một nguyên nhân được nhấn mạnh là vốn đầu tư quá lớn; toàn bộ trang thiết bị phải nhập từ nước ngoài khiến giá thành sản phẩm cao, thị trường bị co hẹp.
Là một người tâm huyết với việc phát triển CNC trong nông nghiệp Việt Nam, PGS-TS Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng - cho rằng để không trở thành phong trào "đầu voi đuôi chuột", cần làm sao để sản xuất CNC mà giá thành không quá cao.
Muốn vậy, khi học tập các nước thành công về nông nghiệp CNC như Israel, không nên bê nguyên công nghệ của họ, vốn được phát triển để thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng sa mạc khắc nghiệt. “Với điều kiện của Việt Nam, chỉ cần ứng dụng một phần công nghệ của Israel thôi, những phần còn lại cần nội địa hóa thì giá thành mới rẻ, mới chấp nhận được. Đây là chỗ mà các nhà khoa học Việt Nam cần phát huy vai trò của mình” - ông Khương nói.
Ứng dụng CNC trong khâu nào của chuỗi sản xuất cũng là điều cần tính đến để giảm tối đa chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả. “Chỉ ứng dụng CNC vào những khâu có thể tạo đột phá. Chẳng hạn, với trồng lúa, Israel phải ứng dụng CNC bởi điều kiện rất khắc nghiệt và họ không có điều kiện trồng theo cách khác. Còn ở Việt Nam, lúa gạo sản xuất theo quy trình thường đã cho năng suất tốt, nếu trồng theo CNC, năng suất không tăng nhiều mà giá thành vọt lên. Chúng ta nên tập trung CNC vào khâu tạo giống, để có những giống lúa vượt trội về chất lượng, chống chịu sâu bệnh, biến đổi khí hậu” - PGS Khương chia sẻ - “Ngoài ra, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ phục vụ mảng sản xuất này cũng là một nguyên nhân khiến giá thành vẫn rất cao”.
Tại hội thảo về nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, được tổ chức mới đây tại Đà Lạt với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, các đại biểu cũng coi vấn đề công nghiệp hỗ trợ là một thách thức không nhỏ. Việc phải nhập khẩu đa số thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp CNC khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó mở rộng thị trường.
Tình trạng phụ thuộc nguồn cung nhập khẩu chỉ chấm dứt khi có doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư và thành công; nhưng trong hình hình nguồn vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp CNC còn nhỏ bé, doanh nghiệp vừa đợi thị trường phát triển, vừa mong cơ chế ưu đãi của Nhà nước cũng như kết quả nghiên cứu và phát triển của giới khoa học. Và một lần nữa, bài toán truyền thống về sự liên kết chặt chẽ các nhà - nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp - lại được đặt ra để mong tìm lời giải thiết thực nhất.
Theo An An/khoahocphattrien.vn