Xã Phúc Hoà (Tân Yên) có diện tích vải thiều sớm trồng tập trung lớn nhất Bắc Giang với 350ha, trong đó có 60ha trồng theo quy trình VietGAP. Bà Nguyễn Thị Bộ ở thôn Lân Thịnh cho biết: “Gia đình có gần 1ha vải sớm. Do được chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên 250 cây vải trong vườn đều ra hoa. Hiện, tôi đang tập trung bơm thuốc trừ bọ xít và sâu róm, sâu đục cành, nhện lông nhung hại vải”.
Trong khi vải thiều sớm nhiều hoa, triển vọng được mùa thì vải chính vụ có nguy cơ mất mùa. Tại huyện Lục Ngạn, vùng vải thiều trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, hàng loạt chủ vườn đang lo âu vì thời điểm này nhiều diện tích vải chỉ có lá già hoặc đang phát lộc non. Gia đình anh Giáp Văn Hoàn (thôn Kép 2B,xã Hồng Giang) trồng 200 cây vải thiều. Đầu tháng 3 năm ngoái, hoa vải trắng vườn song dịp này chỉ có 40% số cây ra hoa, chất lượng hoa kém hơn nhiều so với những vụ trước. Anh Hoàn cho biết: “Những ngày này, tôi thường xuyên bơm nước cho vải, hy vọng sẽ thúc cây ra thêm hoa, vớt vát được chút nào hay chút ấy. Hoa ít thế này, may ra năng suất bằng 1/3 so với năm ngoái”.
Tại các xã Biển Động, Phú Nhuận, Đèo Gia (Lục Ngạn) cũng có nhiều vườn vải như vậy. Bà Cao Thị Mơ ở thôn Quéo (xã Phú Nhuận) kể: “Sau khi thu hoạch, tôi vẫn bón phân, tỉa cành cho vải như những năm trước song đến nay chỉ nửa vườn có hoa, phần còn lại đang ra lộc non”. Tại khu vườn của anh Đỗ Văn Đều (thôn Biển Dưới, xã Biển Động) có 70 cây vải song chỉ có 2 cây ra hoa.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, nguyên nhân vải không ra hoa là do cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2012 mưa kéo dài, độ ẩm cao nên làm hạn chế phân hoá mầm hoa. Sau khi thu quả, ở một số vườn vải, nông dân đốn cành quá sâu lại gặp mưa, nhiệt độ tăng cao khiến cây phát lộc. Đến nay, vườn vải nào chưa có hoa thì coi như thất thu. Các biện pháp mà người dân đang thực hiện như tưới nước, phun thuốc kích hoa đều không có tác dụng.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang khuyến cáo người trồng vải nên tập trung chăm sóc tốt cho những vườn đã ra hoa, bảo đảm diện tích này đậu quả, hạn chế rụng quả sinh lý. Bên cạnh đó quan tâm áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, trên vải thiều xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh như bọ xít, nhện lông nhung, sâu đo, sâu róm, bệnh sương mai, bệnh thán thư. Dự báo thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh trên vải thiều còn gia tăng và diễn biến phức tạp. Thực tế, có một số năm, tỷ lệ vải thiều ra hoa, đậu quả đạt cao nhưng việc phòng trừ sâu bệnh không tốt đã gây thiệt hại lớn.
Trong bối cảnh vải thiều ra hoa ít như năm nay, công tác phòng trừ sâu bệnh càng phải được chú trọng. Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố cần sâu sát cơ sở theo dõi diễn biến sự phát sinh, gây hại của sâu bệnh, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời.
Trịnh Lan
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn