Ông Bùi Văn Chỉnh - Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất (HTSX) Bưởi da xanh Phú Thành (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, do thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi trái cây phải ngon và không có dư lượng thuốc trừ sâu, nên tổ quyết định sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2009. 12/51 thành viên trong tổ đã được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010.
Qua 3 năm thực hiện VietGAP, nhiều thành viên trong tổ thắng lớn. “Tết năm 2012, tôi thu lời hơn 50 triệu đồng. Đó cũng là nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP”, ông Đào Văn Minh - Tổ phó Tổ HTSX Phú Thành phấn khởi. Từ thắng lợi của Tổ HTSX Phú Thành, năm 2010, 22 hộ trồng chôm chôm ở xã Tiên Long và 2 hộ ở xã Tiên Thủy, Tân Phú cũng bắt đầu áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến tháng 10.2011, 24/24 hộ tham gia đều được Công ty Giám định và Khử trùng FFC cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong đó, hộ ông Phùng Văn Thắm, ấp Tiên Phú 1, có diện tích chôm chôm nhiều nhất 2,5ha. “Trước khi áp dụng VietGAP, chôm chôm có lúc rẻ như cho không. Sau nhờ áp dụng tiêu chuẩn này, mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 75 tấn chôm chôm, giá bán từ 20.000 - 28.000 đồng/kg, lợi nhuận hàng năm không dưới 500 triệu đồng” - ông Phùng Văn Thắm, ấp Tiên Phú 1 vui vẻ. Theo ông Trần Văn Beo - Tổ trưởng Tổ HTSX Trái cây Tiên Phú cho biết, từ ngày được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay, tổ đã xuất sang Mỹ gần 63 tấn chôm chôm.
“Cũng nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP mà giá bán chôm chôm cao hơn 20% so với chôm chôm sản xuất thông thường” - ông Beo khẳng định.
Đẩy mạnh phát triển VietGAP cũng là hướng đi mà ngành trái cây huyện Châu Thành đang theo. Ông Trần Văn Tho- Chủ tịch UBND huyện cho biết, tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện hiện có khoảng 9.000ha. Trong đó, bưởi da xanh gần 1.300ha, chôm chôm gần 1.900ha, nhãn gần 2.300ha, sầu riêng gần 800ha. Đây là 4 loại trái cây được huyện ưu tiên phát triển VietGAP trước từ nay đến năm 2015, sau đó mở rộng ra các loại trái cây còn lại.
Hoàng Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn