20:03 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Khoa học công nghệ


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

“Vương trùn quế”: “Cỗ máy sáng tạo” thế hệ 9X

Thứ hai - 04/06/2018 20:47
Chọn “Sáng tạo để phụng sự” như lẽ sống của đời mình, “cỗ máy sáng tạo” thế hệ 9X mà người dẫn đầu chính là Lê Minh Vương, trưởng nhóm Thế hệ ưu tú, nơi tập hợp những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, cùng nhau hợp tác để tạo ra những sản phẩm hữu ích cho quê hương.
[BizSTORY] “Vương trùn quế”: “Cỗ máy sáng tạo” thế hệ 9X

Lê Minh Vương, trưởng nhóm Thế hệ ưu tú bên vườn rau sạch không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Các dự án của nhóm có thể kể đến như dự án cải tạo bùn thải từ ao nuôi tôm thành phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế, dự án “Chai mặt trời”, mô hình lọc nước cải tiến sử dụng ánh sáng mặt trời…
Những công trình nghiên cứu về nông nghiệp kết hợp với môi trường bền vững này phục vụ cộng đồng, vùng nông thôn nghèo và những người dân tộc thiểu số, những cư dân yếm thế nhất trong xã hội.
Đang là sinh viên khoa Môi trường Đại học Sài Gòn, vì sao anh quyết định khởi nghiệp nông nghiệp với nhóm Thế hệ ưu tú? Anh muốn gửi gắm điều gì qua triết lý “hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ đến với bạn”?
Tôi là một người yêu thiên nhiên và môi trường bởi từ khi sinh ra và lớn lên hình ảnh những cánh đồng lúa, những ao tôm, con trâu, con bò và những vườn rau xanh mướt đã khắc sâu trong tâm trí tôi.
Khi đang làm đề tài nghiên cứu khoa học Cải tạo bùn thải ao tôm để làm phân bón và nuôi trùn quế từ chính lượng thải này, bao nhiêu tâm tư và hoài bão trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp của mình, tôi đã tự nhận ra rằng: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình và muốn đi xa hãy đi cùng nhau”…
Tôi còn nhớ rất rõ, đó là ngày 19/8/2013, chúng tôi thành lập nhóm "Thế hệ ưu tú” để tận dụng sức mạnh của nhau, xây dựng một đội ngũ thanh niên thật sự ưu tú và giúp ích cho môi trường và nông nghiệp sạch của quê nhà.
“Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ đến với bạn” là kim chỉ nam, là động lực để tất cả các anh em trong nhóm cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nghiên cứu và cho ra các công trình phụng sự xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nông nghiệp sạch.
Khi bạn có ước mơ, hoài bão, lý tưởng chính đáng, cùng nhau làm việc và nghiên cứu để biến những ước mơ hoài bão của mình thành hiện thực, giúp ích cho xã hội, đó chính là khẳng định giá trị của bản thân mình.
Cho dù thành công hay thất bại nhưng chúng tôi đã cố gắng hết mình…
Ưu tú được chúng tôi định nghĩa là “dám nghĩ, dám làm”
Suốt 4 năm trời ròng rã theo đuổi nghiên cứu về trùn quế, giữa lý thuyết và áp dụng thực tiễn là một khoảng cách rất xa… anh đã phải trải qua thất bại, đổ vỡ nào?
Khó nhất là tìm ra công thức hài hòa giữa kỹ thuật và kinh tế.
Từ khi là sinh viên năm 2 tôi đã ấp ủ và tập tành nghiên cứu khoa học, với đứa con tinh thần đầu tiên là cải tạo bùn thài từ ao tôm làm phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế, nhưng lúc ấy sự quan tâm của nhà trường hạn hẹp, nguồn kiến thức và tiếng Anh hạn chế, sức khỏe kém và không có nguồn tài chính.
Rất hay là trong nhóm, mỗi người sẽ phát huy thế mạnh của mình và bù đáp lại điểm yếu cho những người khác.
Ví dụ tôi mạnh về nghiên cứu và kỹ thuật thì chỉ nên tập trung vào mảng này và phát huy nó.
Nhưng tôi rất yếu về mảng xây dựng kế hoạch kinh doanh, gọi vốn, nên sẽ có một bạn giỏi về kinh tế hỗ trợ tôi. Cả hai phối hợp với nhau và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong hơn bốn năm qua, thử thách lớn nhất mà chúng tôi đã cùng nhau vượt qua đó là sự hoài nghi của mọi người, sự thiếu thốn về nhân lực, thiếu thốn về kinh phí để hiện thực hóa các công trình đã nghiên cứu.
… Và kết quả của dự án đã không phụ lòng anh?
Hiện tại những nghiên cứu ứng dụng quy mô vừa và nhỏ của tôi trong việc sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ nói chung và phân trùn quế nói riêng.
Đây là những sản phẩm hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học trên các loại rau ăn lá thông dụng (cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau muống, mồng tơi, hành lá, rau dền, dưa leo, cá chua, bầu bí, mướp…) kết hợp với các phương pháp phòng trừ sâu hại bằng sinh học…
Các sản phẩm này đã trải qua rất nhiều thử nghiệm, và giờ đây đã có kết quả tốt đẹp, tối ưu hóa về mặt kỹ thuật và kinh tế. 
Tất cả các kiến thức ứng dụng thành công của các sản phẩm trùn quế tôi đều đưa hết vào trong quyển sách tâm huyết mà tôi đã biên soạn “Kỹ thuật nuôi trùn và ứng dụng trùn quế trong nông nghiệp sạch”.
Riêng về cây nho, một loại cây đặc sản của quê hương tôi thì đang trong quá trình nghiên cứu để từng bước ứng dụng rộng rãi hơn công dụng của phân trùn quế và dịch trùn quế trong canh tác nho sạch.
Ngoài ra tôi cũng đang thử nghiệm trên các loại cây ăn trái khác như cam, bưởi, xoài, mãng cầu và cho cả hoa.
Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng phân trùn quế và dịch trùn quế.
Cụ thể cách đây hơn một tháng tại Ninh Thuận đã có thầy giáo mạnh dạn đầu tư nuôi trùn, trồng rau và nuôi gà thả vườn, tạo thành một mô hình nông nghiệp khép kín.
Tôi cùng nhóm Thế hệ ưu tú sẽ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho trang trại của thầy giáo tâm huyết này.
Anh có thể cho biết cụ thể hơn về ứng dụng trùn quế và dịch trùn quế trong việc nuôi gà thả vườn?
Dịch trùn quế là một sản phẩm cao cấp được chiết xuất trực tiếp từ trùn thịt nguyên con thông qua quá trình thủy phân đạm trùn thành một chất bổ axit amin dễ tiêu mà cả cây trồng và vật nuôi đều rất cần, thông qua sự xúc tác của enzyme thủy phân proteasa trong quá trình chế biến.
Nếu như con người có thực phẩm chức năng là các loại thuốc bổ tăng cường sức khỏe và chống lõa hóa thì ngay cả vật nuôi và cây trồng cũng có một loại thực phẩm chức năng tương tự gọi là dịch trùn quế
Dịch trùn quế là một loại sản phẩm cho vật nuôi và cây trồng sử dụng bổ sung chứ không phải là loại thức ăn thay thế hoàn toàn.
Hàm lượng axit amin sẽ giúp vật nuôi (gà, heo, bò …) tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh để tiêu thụ thức ăn được tốt hơn, còn đối với cây trồng thì dịch trùn quế sẽ giúp cây phát triển toàn diện và kích kháng một số loại bệnh…
Lê Minh Vương (giữa) và các thành viên nhóm Thế hệ ưu tú  
Theo anh, làm thế nào để nhân rộng mô hình nông nghiệp bền vững đến các địa phương, nhằm hạn chế dần lối canh tác hóa học đang trở thành vấn nạn hủy hoại môi trường và con người? 
Muốn nhân rộng mô hình nông nghiệp bền vững ở các địa phương, cần phải có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ từ 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp.
Điều tiên quyết là mỗi địa phương phải có ít nhất một mô hình nông nghiệp sạch kiểu mẫu để bà con nông dân đến tham quan và học tập.
Với phương châm “mắt thấy, tay sờ, tai nghe” thì bà con mới tin và thực hiện theo.
Và quan trọng nữa chính là đầu ra, yếu tố sống còn đối với những người làm nông nghiệp sạch.
Chính vì vậy nên sự liên kết giữa 4 nhà là hết sức cần thiết.
Dành nhiều thời gian, tâm huyết đến tận những vùng xa xôi, tập huấn cho cả đồng bào thiểu số, anh hy vọng điều gì?
Khi đặt chân đến vùng đất nghèo nhất cả nước là huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, tôi mới thật sự thấm và hiểu rõ cảnh khổ của bà con đồng bào Raglai.
Có thể trước đây trình độ dân trí của bà con còn thấp nên khó tiếp cận khoa học kỹ thuật và ứng dụng trong đời sống, nhưng một tín hiệu mừng là các thanh niên Raglai đã có bước chuyển mình rõ nét khi trình độ được nâng lên đáng kể.
Những buổi tập huấn đã được các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình. Có bạn còn có ý tưởng nuôi trùn kết hợp nuôi gà thả đồi và nuôi heo đen có ứng dụng trùn quế, đưa hàng quảng bá xuống Phan Rang, Tháp Chàm, và cả Sài Gòn.
Tuy đây là vùng dân sống thưa thớt, nhưng điều kiện đất đai, không khí và nguồn nước suối sạch, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch và làm mô hình du lịch, tận dụng tài nguyên bản địa…
Đó là tín hiệu đáng mừng, và càng tin hơn khi biết sẽ có ít nhất 2 mô hình nuôi trùn quế được ứng dụng tại đây.
Đó sẽ là những viên gạch nông nghiệp sạch đầu tiên được xây nên ở nơi đây, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Theo anh Ninh Thuận nên tập trung vào nông pháp nào, cây trồng và vật nuôi gì, để tạo nên bức tranh tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững?
Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng với nắng và gió. Riêng về nông nghiệp có các loại đặc sản như nho, táo, cây gia vị, bò, cừu thả đồng, gà thả đồi và thủy sản.
Ngoài ra Ninh Thuận còn có nhiều địa danh và nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ. Đó là hai đặc trưng chỉ có ở Ninh Thuận.
Vì vậy theo tôi đánh giá, cần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với việc xây dựng và đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu của các loại cây trồng đặc trưng này, đồng thời kết hợp và phát triển mảng du lịch nông nghiệp, tận dụng tài nguyên bản địa như các vườn nho, các đàn cừu, các vườn trái cây cận nhiệt và các danh thắng.
Động lực nào lớn nhất khiến anh quyết tâm theo đuổi nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên? 
Đó chính là tình yêu thiên nhiên và môi trường đã ăn sâu vào máu của tôi. Chỉ có con đường quay lại với tự nhiên mới nuôi được con người.
Chỉ có tự nhiên khỏe mạnh mới tạo ra được con nguời khỏe mạnh, nếu chúng ta đi ngược với tự nhiên thì cái giá mà chúng ta phải nhận sẽ rất đắt, và con cháu của chúng ta sau này sẽ là người lãnh hết những gì mà chúng ta gây ra.
Phát triển nông nghiệp bền vững chính là phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên, phát triển bền vững không chỉ áp ứng những nhu cầu chính đáng của thế hệ hiện tại mà còn đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lại sau này.
Nông nghiệp hữu cơ thuận tự nhiên chính là lời giải cho bài toán đó.
Theo anh, các lối canh tác công nghệ cao mà các đại gia đang theo đuổi, hay công nghệ giá thể trồng rau tại nhà hiện nay về chất lượng có bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân? 
Việc sản phẩm được ứng dụng theo công nghệ cao của Israel nếu thật sự làm đúng kỹ thuật thì hoàn toàn có thể sử dụng an toàn, bởi lẽ các loại nông sản mà Israel trồng theo công nghệ chính gốc của họ đều được các nước châu Âu công nhận an toàn và nhập khẩu để sử dụng.
Còn tại Việt Nam, việc sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao phụ thuộc rất nhiều vào cái Tâm, uy tín của doanh nghiệp thì sản phẩm mới đảm bảo thể hiện đúng giá trị và công nghệ mang lại.
Tuy nhiên, sự mập mờ trong truyền thông đang khiến cho người dân hiểu sai về nông pháp hóa học và nông pháp hữu cơ thuận tự nhiên, trong khi giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm canh tác theo kiểu truyền thống.
Truyền thông là con dao hai lưỡi, nên khi tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông, chúng ta phải biết chắc lọc  mới tìm được thông tin đúng.
Động lực nào là lớn nhất khiến anh có đủ đam mê để gạt bỏ những sân si, bon chen của cuộc đời thường nhật, để ngày ngày… vọc tay với mấy con trùn?
Tôi có một ước mơ và tôi muốn biến nó thành sự thật, xây dựng một đội ngũ một thế hệ trẻ dám dấn thân và phụng sự, và đội ngũ này chính là nhân sự cho một hệ thống trang trại Eco Farm mà tôi tâm huyết xây dựng.
Trùn quế sẽ là đòn bẩy cho toàn bộ ước mơ đó.
 Mô hình hệ thống trang trại Eco Farm
 
Anh muốn truyền một tinh thần như thế nào đến các bạn trẻ, để có thể khởi nghiệp bằng sáng tạo? 
Nếu chúng ta có ước mơ và khát vọng thì hãy vạch ra con đường và thực hiện nó, đứng nói mà hãy hành động, chỉ có hành động mới dẫn chúng ta đến thành công. 
Một câu nói rất hay về sự sáng tạo “Logic đưa chúng ta đi từ điểm A – đến điểm Z nhưng sáng tạo có thể đưa chúng ta đi khắp mọi nơi”.
Nông nghiệp sạch hữu cơ đang là xu thế của toàn thế giới và ở Việt Nam cũng vậy, sau nhiều lần tiếp xúc với bà con miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên… tôi cảm nhận được sự trăn trở của bà con.
Ai cũng biết và muốn làm nông nghiệp sạch, an toàn, nhưng bài toán kinh tế, nhất là đầu ra cho sản phẩm quá bấp bênh, làm cho bà con phải đắn đo, lựa chọn nhiều giữa làm nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp sạch, an toàn.
Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của sự liên kết 4 nhà để tạo ra được chuỗi giá trị bền vững từ quản lý đến sản phẩm...
Với “Vương trùn quế”, anh có hạnh phúc không? 
Tôi tự hào với cái tên “Vương trùn quế”.
Làm nghiên cứu thật sự đòi hỏi người ta phải chịu khó và rất cần cù, bởi lẽ không phải qua vài lần thử nghiệm là ra kết quả như ý, mà phải trải qua rất nhiều thất bại khác nhau.
Có lần điều chế thuốc phòng ngừa sâu hại bằng thảo mộc, tôi dùng tỏi, ớt, gừng và tinh dầu trộn lẫn với nhau, không ngờ bị cay mắt và bỏng cả da suốt mấy giờ liền do sơ suất trong quá trình pha chế.
Kỉ niệm làm tôi nhớ mãi là lần chuyển giao và lắp đặt mô hình 2 bể lọc sử dụng ánh sáng mặt trời diệt khuẩn nước miễn phí với dung tích 15m3 cho bà con Raglai tại xã Ma Nơi, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Gia đình chú Đây người Raglai đã đồng ý hiến 10m2 đất để xây bể lọc dùng chung cho cả thôn, sau khi xây xong ai ai cũng vui mừng, và gia đình chú còn mời tôi ngủ lại ăn cơm nữa.
Nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của đồng bào Raglai, lần đầu tôi cảm nhận được hạnh phúc.
Anh còn là tác giả cuốn sách “Sáng tạo để phụng sự”, anh muốn gửi gắm điều gì? Gia đình có ý nghĩa thế nào đối với anh? 
Gia đình hoàn toàn ủng hộ tôi đi theo con đường nông nghiệp sạch và trùn quế. Đó là may mắn của tôi.
Đi theo nông nghiệp thì phải trải qua một quá trình và thời gian nghiên cứu dài, bởi lẽ sản phẩm nông nghiệp khác hoàn toàn sản phẩm công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và cần có thời gian.
Chính vì vậy việc hy sinh thời gian và vật chất là điều bắt buộc.
Mục tiêu của tôi là trở thành một chuyên gia nông nghiệp sạch, đặc biệt là mảng trùn quế. “Sống ở trên đời phải có danh gì với núi sông”, tôi luôn tâm niệm điều ấy.
Thời gian rảnh rỗi tôi thường đi câu cá, dã ngoại, đọc sách và viết sách.
Tôi muốn lưu giữ lại những kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức mà tôi có được trong những trang sách, và dùng nó làm công cụ để hướng dẫn và chia sẻ với mọi người. Phương châm của nhóm Thế hệ ưu tú là “Mọi người cùng biết và cùng làm”.
Bìa cuốn sách “Sáng tạo để phụng sự” do Lê Minh Vương viết
Có thể nói viết sách cũng là một sở thích của tôi. Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất về gia đình chính là mẹ.
Còn nhớ khi là sinh viên năm cuối, vào dịp sinh nhật, mẹ gửi từ quê vào tặng tôi 2 cây viết bi và có tờ giấy quấn lại viết rõ “Mẹ tặng sinh nhật con Vương 2 cây viết”.
Mẹ tôi chưa học hết lớp hai, vì hồi ấy khó khăn quá mà, lúc đó mẹ phải đi làm giúp việc cho người ta, đi gánh nước, chặt củi… nghĩ lại nước mắt tôi rưng rưng.
Mẹ viết những dòng chữ đầy tình yêu thương tôi luôn nhớ mãi. Hai cây viết giá bằng 3kg lúa rồi…
Giờ đây mẹ tôi đã trên Thiên Đàng,  nhưng tôi vẫn luôn nhớ về mẹ. Mẹ chính là nguồn lực sống tinh thần giúp tôi vượt qua khó khăn.

Tác giả bài viết: KIM YẾN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 358


Hôm nayHôm nay : 86133

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1087373

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71314688