1. Giai đoạn phát triển của nái hậu bị
Giai đoạn phát triển của nái hậu bị bắt đầu từ khi ra đời đến lần phối đầu tiên. Một qui trình dinh dưỡng tối ưu cho nái hậu bị nên được triển khai từ khi chúng đạt 25 kg trọng lượng, nhằm giúp cho cơ quan sinh sản phát triển một cách tốt nhất. Trong điều kiện chăn nuôi mà không thể chăm sóc nái hậu bị ngay từ 25 kg thể trọng thì cần áp dụng chế độ khẩu phần khởi động đặc biệt sớm nhất có thể trong thời gian sau đó. Khẩu phần từ 25kg thể trọng hoặc khẩu phần khởi động đặc biệt cần được duy trì đến khi chúng đạt 40-50 kg thể trọng.
Khẩu phần cho nái hậu bị 45-50 kg thể trọng trở lên nên được cho ăn với mức 2.5-3.5 kg/ngày, phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng mong muốn, các điều kiện chuồng nuôi, sức khỏe, di truyền học, và điều kiện quản lý. Ba tuần trước khi phối lần đầu, một khẩu phần năng lượng cao (khoảng 2500kcal/kg NE) nên được cung cấp để kích thích heo nái hậu bị có tỷ lệ rụng trứng cao.
So với khẩu phần heo thịt giai đoạn heo lứa-vỗ béo, khẩu phần nái hậu bị nên có hàm lượng chất dinh dưỡng ít hơn, ít nhất là về mặt năng lượng và các axit amin nhằm đạt mức tăng trọng hàng ngày trung bình khoảng 550-650 gram từ khi sinh ra cho đến khi phối lần đầu. Điều này nhằm đảm bảo heo nái sẽ đủ trưởng thành trong độ tuổi mong muốn, có kích thước cơ thể lý tưởng với lượng mỡ dự trữ vừa đủ tại thời điểm thụ tinh đầu tiên. Bởi vì tuổi tác và tình trạng cơ thể khi nái hậu bị được phối lần đầu sẽ có một tác động đáng kể trên năng suất trọn đời, nên kiểm soát tốc độ tăng trưởng của nái hậu bị rõ ràng là một mục tiêu của một chương trình dinh dưỡng thành công.
Lưu ý một quy tắc bất di bất dịch rằng, việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng và tích mỡ phải được thực hiện thông qua việc điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng chứ không phải là điều chỉnh số lượng thức ăn cho nái ăn. Thông thường, việc giảm hàm lượng năng lượng và axit amin nên được thực hiện bằng cách thay thế những thực liệu giàu dinh dưỡng và năng lượng như bắp bằng những thực liệu giàu chất xơ như cám gạo, lúa mạch đen, lúa triticale, bã củ cải, bã mì để lượng ăn vào vẫn đảm bảo thỏa mãn cảm giác đầy của cơ quan tiêu hóa.
Các yêu cầu canxi và phospho (phốt-pho) của heo nái hậu bị thì cao hơn so với nhu cầu của heo thịt ở độ tuổi tương tự. Điều này là do nái hậu bị cần phát triển xương và tích lũy tối đa trữ lượng khoáng trong cơ thể để chuẩn bị cho quá trình mang thai và nuôi con sau đó. Hai khoáng chất này rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển xương, mà còn cho sự phát triển của thai nhi và tiết ra trong sữa cho con bú. Do đó, sự thiếu hụt canxi và phospho sớm trong quá trình sinh sản sẽ làm cho xương của nái bị suy yếu sớm, dẫn đến các bệnh như sốt sữa, què, gãy chân, loại thải nái sớm hoặc gây còi cọc trên heo con.
Tương tự như vậy, lượng vitamin cũng sẽ cao hơn so với nhu cầu cho heo thịt cho cả hai loại vitamin tan trong chất béo và các vitamin tan trong nước. Đặc biệt, cần có sự quan tâm đến hàm lượng vitamin A, vì vitamin A ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của một protein tên là ‘protein liên kết retinol’ được tiết ra trong tử cung. Vì thế, có thể nói rằng vitamin A có liên quan đến việc thành lập và duy trì thai kỳ một cách gián tiếp.
3. Nuôi dưỡng heo nái hậu bị hiện đại
Những dòng heo nái hiện đại có năng suất sinh sản rất cao. Nhưng đồng thời nó cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc cẩn thận và một chương trình dinh dưỡng thích hợp trong suốt cuộc đời, bao gồm cả giai đoạn phát triển.
Nguồn: nguoichannuoi.vn